Các tàu cá Trung Quốc "làm nóng" căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đàn áp trong ngành đánh bắt đã trở thành một trụ cột trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhằm đối trọng với ảnh hưởng Trung Quốc.

Từ vùng biển Thái Bình Dương đến bờ biển Nam Cực và Châu Phi, đội tàu đánh cá của Trung Quốc đang trở thành tâm điểm của điểm nóng địa chính trị mới giữa Washington và Bắc Kinh.

Ngành đánh bắt xa bờ của Trung Quốc cho đến nay được đánh giá là lớn nhất thế giới về khối lượng đánh bắt và quy mô đội tàu, với ước tính khoảng 10.000 tàu trên toàn thế giới. 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bắt giữ các tàu Trung Quốc bị nghi ngờ đánh bắt trái phép vào năm 2011. Ảnh: AFP
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bắt giữ các tàu Trung Quốc bị nghi ngờ đánh bắt trái phép vào năm 2011. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, trong năm qua, một cuộc đàn áp đối với ngành này đã trở thành một trụ cột trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đối trọng với ảnh hưởng Trung Quốc.

Các chuyên gia đã cảnh báo, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất nhiều thập kỷ, vấn đề đánh bắt cá trái phép đã trở thành điểm căng thẳng ngày càng gay gắt giữa các siêu cường quân sự.

Financial Times dẫn lời Elizabeth Freund Larus, một chuyên gia về Trung Quốc tại Diễn đàn Thái Bình Dương - viện nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ, cho biết Washington đã xác định rằng hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của tàu thuyền Trung Quốc là “mối quan ngại về an ninh quốc gia”.

Chuyên gia này khẳng định, đội tàu này đang làm cạn kiệt nguồn cá trên toàn thế giới và lấy đi nguồn thực phẩm quan trọng của các cộng đồng ven biển. 

Bắc Kinh hầu hết bác bỏ những tuyên bố như vậy. Phản hồi với FT, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này là “quốc gia có trách nhiệm trong việc đánh bắt cá ở vùng biển xa” và có thái độ “không khoan nhượng” đối với việc đánh bắt cá bất hợp pháp.

Bộ cũng khẳng định, các tuyên bố về lạm dụng môi trường và lao động là "không đúng sự thật", đồng thời nói thêm rằng các mô tả về lực lượng dân quân đến từ "động cơ ngầm" từ phía Mỹ. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 3 cũng đưa ra cáo buộc các tàu cá Mỹ thường hành nghề đánh cá bất hợp pháp trên biển cả và trong vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia khác. Bình luận được đưa ra sau khi ông Biden chỉ thị cho các cơ quan chính phủ Mỹ tăng cường nỗ lực chống lại việc Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp và lạm dụng lao động.

Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ năm ngoái đã công bố một sáng kiến thông qua vệ tinh để giúp các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương theo dõi hoạt động đánh bắt trái phép. Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với hai công ty đánh cá lớn của Trung Quốc vào tháng 12. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cũng đang phối hợp với các quốc đảo Thái Bình Dương để giám sát ngành công nghiệp này.

Việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển bên cạnh các tàu cá và lực lượng bảo vệ bờ biển, cùng với việc chiếm đóng và quân sự hóa các đảo, rạn san hô và đảo san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, được các nhà phân tích coi là “các hoạt động vùng xám” làm tăng nguy cơ thúc đẩy các nước sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn.

Evan Laksmana, một chuyên gia về hiện đại hóa quân sự ở châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cảnh báo rằng hạm đội Trung Quốc mở rộng đã làm tăng khả năng xảy ra một “kịch bản ác mộng” trong đó hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia đụng độ trên biển. 

Đội tàu đánh cá của Trung Quốc cũng phải đối mặt với một loạt cáo buộc mới về lạm dụng lao động và môi trường từ các tổ chức phi chính phủ. Các khu vực quan tâm chính bao gồm Thái Bình Dương, 5.500 km bờ biển phía tây châu Phi và vùng biển xung quanh bán đảo Nam Cực.

Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Công lý Môi trường có trụ sở tại Vương quốc Anh đã nêu quan ngại về các hoạt động trên tàu Run Da 5, một tàu thuộc sở hữu tư nhân của Trung Quốc, đã ở trên biển trong 565 ngày liên tục sau khi rời Busan, Hàn Quốc, hồi tháng 8/2021.