Nhân viên trường học nhiều tâm tư
Khi Dự thảo Luật Nhà giáo được thông tin rộng rãi đến các cơ sở giáo dục trên cả nước, một lần nữa nhân viên trường học (thư viện, thí nghiệm, công nghệ thông tin…) lại chạnh lòng khi thấy mình chưa được quan tâm thoả đáng; cụ thể là không xuất hiện trong Dự thảo Luật Nhà giáo.
“Chúng tôi cũng là những người công tác trong trường học, công việc rất vất vả; gắn với chương trình giáo dục và các hoạt động của nhà trường nhưng lại không được nhắc đến trong Dự thảo”, cô Nguyễn Diệu Nhi, một nhân viên thư viện trường học bày tỏ.
Theo cô Nhi, không phải cô không phân biệt được vai trò của giáo viên hay nhân viên nhưng rõ ràng, nếu không được quan tâm thì chế độ đãi ngộ đối với nhân viên trường học sẽ khó được cải thiện. Điều cô và các đồng nghiệp mong mỏi ở đây là sự ghi nhận của xã hội đối với những vất vả của các cô; từ đó, các chính sách về tiền lương hay chế độ đãi ngộ với nhân viên trường học phải có.
Với vai trò là nhân viên thí nghiệm, cô Ngô Lan Phương, trú tại Hà Nội chia sẻ: một nhân viên thiết bị thí nghiệm cũng phải học để có kiến thức chuyên môn về hóa chất, dụng cụ thí nghiệm, hỗ trợ cho giáo viên và học sinh có được những buổi thí nghiệm thực hành. Bởi vậy, đội ngũ nhân viên thiết bị thí nghiệm mong nhận được quyền lợi thỏa đáng nhất thay vì những thiệt thòi hiện nay.
Tại hội thảo tham vấn về chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý Nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo do Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây cũng xuất hiện ý kiến đề xuất nhân viên trường học là nhà giáo để giảm bớt sự thiệt thòi cho họ.
Theo thầy Lê Văn Chương – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, TP Hồ Chí Minh, nhân viên trường học là lực lượng thầm lặng nhưng luôn thiệt thòi về lương, phụ cấp, thời gian làm việc, xét thi đua, khen thưởng. Nhiều nhân viên trường học sau nhiều năm gắn bó với nghề đã bỏ việc vì thu nhập không đủ sống, áp lực nhiều. Có nhân viên trường học công tác 20 năm, mức lương chỉ từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng, quá thấp so với mặt bằng chung. Nếu không có các nhân viên trường học, thì các cơ sở giáo dục không thể hoạt động, vận hành. Do vậy, trong dự thảo Luật Nhà giáo nên bổ sung nhân viên trường học cũng là nhà giáo.
Tăng chế độ, không có nghĩa là “nhân viên thành nhà giáo”
Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội cho biết: Trong tổ chức trường học có giáo viên và nhân viên; giáo viên làm công tác giảng dạy còn nhân viên làm các công tác liên quan như thư viện, hành chính, y tế… Do làm việc trong môi trường giáo dục nên nhiệm vụ của nhân viên trường học gắn liền với chương trình giáo dục của nhà trường cũng như với học sinh. Nhân viên thực hiện nhiều công việc, có nhiều cống hiến cho nhà trường thực hiện thành công các nhiệm vụ giáo dục. Tuy nhiên, cũng theo hiệu trưởng này, không thể coi nhân viên là nhà giáo.
Nhà giáo được đào tạo bài bản qua trường lớp sư phạm; có quá trình lao động nghề nghiệp vất vả; ngoài lên lớp lại soạn giảng, chấm chữa bài tập, tập huấn chuyên môn, tham gia các khoá học, cuộc thi; chăm sóc học sinh, xây dựng mối quan hệ với phụ huynh….; chịu cả trách nhiệm chuyên môn và nhiều vấn đề xã hội khác; trong khi đó, nhân viên chủ yếu là làm giờ hành chính; năng lực đào tạo khác nhau. Nhân viên trường học cũng được linh động có thời gian nghỉ luân phiên trong dịp Hè; đây là quyền lợi mà các nhân viên làm việc tại đơn vị sự nghiệp ngoài giáo dục không có được.
Trước đề xuất đưa nhân viên trường học trở thành nhà giáo, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, để trở thành nhà giáo cần có nhiều yêu cầu đặc biệt. Chẳng hạn, với người làm công tác thư viện tại cơ sở giáo dục có thể được yêu cầu cập nhật kiến thức và chứng chỉ sư phạm để xây dựng lộ trình thăng tiến, đánh giá công việc theo trình độ năng lực.
“Cán bộ nhân viên hỗ trợ trong trường học cần có cơ hội để phát triển nghề nghiệp theo ngạch bậc riêng. Ví dụ như cán bộ hỗ trợ công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, nếu cần phải xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp riêng và hưởng lương theo ngạch bậc. Nếu họ làm việc trong các cơ sở giáo dục thì cần phải có chứng chỉ về sư phạm để đảm bảo sự an toàn và phát triển toàn diện cho người học” - PGS.TS Trần Thành Nam nêu ý kiến.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì các trường học có rất nhiều vị trí nhân viên. Nhân viên có vị trí, vai trò quan trọng và thông thường khối lượng công việc rất lớn. Muốn trường học tốt, nhân viên cũng phải tốt, giỏi. "Tuy chúng ta không nên có quan điểm coi nhân viên trường học là nhà giáo nhưng cũng phải có chế độ đãi ngộ tốt với nhóm chức danh nghề nghiệp này, trong đó có việc xây dựng thang bậc lương cao hơn cũng như có chế độ phụ cấp riêng cho họ. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cần kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xem xét, thống nhất thang bậc lương đối với nhân viên trường học để họ có mức lương đủ sống và để không xảy ra tình trạng nhân viên trường học bỏ việc vì lương thấp” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.