Chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai (14/2), khi giới đầu tư đánh giá những lo ngại về kế hoạch nâng lãi suất của FED và nguy cơ xung đột Nga-Ukraine.
Chốt phiên giao dịch đầu tuần, Dow Jones sụt 171,89 điểm, tương đương 0,49%, xuống còn 34.566,17 điểm, chịu ảnh hưởng bởi đà lao dốc của các cổ phiếu Walgreens Boots Alliance và Chevron. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,4%, về mức 4.401,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất gần 1 điểm xuống 13.790,92 điểm sau khi tăng gần 1% vào đầu phiên.
Nhà đầu tư đang theo dõi các thông tin liên quan đến căng thẳng giữa Moscow và Kiev. Giá dầu WTI sụt giảm trong phần lớn ngày 14/2 nhưng đến buổi chiều giá dầu đột ngột tăng vọt 2,6% lên hơn 95 USD/thùng, trong khi chứng khoán Mỹ lao dốc.
Ngày 14/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken yêu cầu Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev đóng cửa và nhân viên sứ quán phải chuyển đến thành phố Lviv ở phía tây Ukraine, dấu hiệu cho thấy có thể xảy ra một cuộc tấn công của Nga đã khiến giới đầu tư thêm lo ngại.
Thông báo trên được ông Blinken đưa ra chỉ vài giờ sau khi có tin Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đề xuất với Tổng thống Vladimir Putin rằng Nga nên dùng biện pháp ngoại giao để đạt được sự nhượng bộ từ Phương Tây.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng vọt lên gần mức cao nhất vào cuối phiên và dao động quanh ngưỡng 31 điểm. Chỉ số này khép phiên trên mức 28 điểm.
Động thái né tránh tài sản rủi ro như cổ phiếu đã ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu công nghiệp như Caterpillar và Boeing khi 2 cổ phiếu này lần lượt mất 0,7% và 1,1%.
Chuyên gia David Sneddon tại Credit Suisse nhận định: “Chúng tôi cho rằng triển vọng thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn còn yếu, đang chịu sức ép không chỉ bởi đà tăng lợi suất trái phiếu trên toàn cầu và khả năng FED tăng lãi suất, mà còn vì căng thẳng địa chính trị”,
Tuy nhiên, phiên giao dịch trên sàn Phố Wall trong ngày 14/2 vẫn có những điểm sáng. Chứng chỉ quỹ VanEck Russia ETF (một quỹ giao dịch tại Mỹ chuyên đầu tư vào các công ty hàng đầu của Nga) tăng 2,5%, đồng USD và ruble của Nga cũng lên giá. Khép phiên cuối tuần trước, VanEck Russia ETF lao dốc tới 7,5%.
Thêm vào những áp lực đối với thị trường Phố Wall, Chủ tịch FED tại St. Louis, James Bullard, hôm 14/2 nói với CNBC rằng, uy tín của FED đang bị đe dọa và ngân hàng trung ương cần quyết liệt chống lạm phát mạnh mẽ hơn nữa, lặp lại những nhận định mà ông đã đưa ra hồi tuần trước.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/2, lạm phát trong tháng 1/2022 tại Mỹ nhảy vọt 7,5%, ghi nhận mức tăng 12 tháng mạnh nhất kể từ năm 1982.
Thị trường tài chính đang dự báo FED sẽ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, tương đương 0,5 điểm %, trong cuộc họp chính sách vào giữa tháng 3 tới.
Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs cũng dự báo FED sẽ có 7 lần tăng lãi suất trong năm 2022.
Trong khi đó, ông Marko Kolanovic, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của JPMorgan nhận xét: “Mặc dù nguy cơ xung đột tại Ukraine là cao, nhưng nó sẽ có tác động hạn chế đến thị trường chứng khoán toàn cầu và nhiều khả năng buộc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu quay trở lại quan điểm ôn hòa hơn”.