Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo nóng từ IEA và OPEC nhấn chìm giá dầu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu giảm mạnh trong tuần này khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và OPEC cùng dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu đang chậm lại trong khi nguồn cung tăng cao.

Giá dầu Brent lao dốc 4% trong tuần

Giá dầu thế giới giảm hơn 2% trong phiên ngày 15/11 do các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu yếu hơn của Trung Quốc và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ hạ giảm lãi suất. Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu.

Giá dầu giảm mạnh trong tuần này. Ảnh: Investmentnews
Giá dầu giảm mạnh trong tuần này. Ảnh: Investmentnews

Chốt phiên ngày 15/11, giá dầu Brent sụt 1,52 USD (2,09%) xuống 71,04 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,68 USD (2,45%) xuống 67,02 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 4%, trong khi giá dầu WTI giảm khoảng 5%.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/11 cho thấy các nhà máy lọc dầu của nước này trong tháng 10 đã xử lý lượng dầu thô ít hơn 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái do một số nhà máy đóng cửa hoặc giảm công suất.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm tốc trong tháng 10 và nhu cầu trong lĩnh vực bất động sản của nước này phục hồi yếu ớt, làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư về sức khỏe kinh tế của nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Chuyên gia John Kilduff tại Công ty quản lý tài sản Again Capital ở New York, cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục đối mặt với một số khó khăn và bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế nào mà Trung Quốc đưa ra đều có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có ý định chấm dứt quy chế thương mại tối huệ quốc của Trung Quốc và áp mức thuế quan hơn 60% đối với hàng nhập khẩu từ nước này, cao hơn nhiều so với mức thuế được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Các nhà kinh tế của Công ty nghiên cứu Goldman Sachs Research mới đây  đã hạ nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Trung Quốc, sau những dự đoán về việc Mỹ sẽ tăng thuế đáng kể dưới thời Tổng thống Trump.

IEA và OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2025

Giá dầu cũng chịu áp lực lao dốc trong tuần này khi các tổ chức dự báo hàng đầu cho rằng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu đang chậm lại.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ vượt cầu hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025 ngay cả khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn được gọi là OPEC+, vẫn duy trì thỏa thuận giảm sản lượng.

Theo báo cáo của IEA, thị trường dầu mỏ toàn cầu đối mặt tình trạng mất cân bằng trong năm tới do nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục suy giảm trước tình hình bất ổn ở Trung Đông và nhiều nơi khác.

Trong báo cáo hàng tháng được công bố ngày 14/11, IEA cho biết lượng tiêu thụ dầu ở Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - đã giảm trong 6 tháng liên tiếp tính đến tháng 9 và dự kiến sẽ tăng trong năm nay với tốc độ chỉ bằng một phần nhỏ so với tốc độ của năm 2023.

Theo IEA, tình trạng dư thừa toàn cầu sẽ còn lớn hơn nữa nếu OPEC+ quyết định tiếp tục các kế hoạch khôi phục sản lượng đã trì hoãn trong cuộc họp của liên minh được tổ chức vào tháng 12.

“Có khả năng nhu cầu dầu của Trung Quốc đã chạm đỉnh. Bên cạnh yếu tố giảm tốc về kinh tế, quá trình chuyển đổi sang xe điện, đường sắt cao tốc và khí đốt trong vận tải đang làm suy yếu sự tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc", Trưởng phòng Thị trường và Công nghiệp Dầu mỏ của IEA, ông Toril Bosoni, lưu ý thêm.

Trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc suy yếu kéo dài, giá dầu đã giảm 11% kể từ đầu tháng 10 mặc dù tình hình căng thẳng giữa Israel và Iran vẫn đang diễn ra.

Theo IEA, mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 920.000 thùng/ngày trong năm nay - ít hơn một nửa so với mức năm 2023 - và đạt mức trung bình 102,8 triệu thùng/ngày. Trong năm 2025, nhu cầu “vàng đen” dự kiến sẽ tăng 990.000 thùng/ngày.

Trong khi đó, OPEC hôm 12/11 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 và 2025, do nhu cầu tại Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác yếu hơn. Đây là lần điều chỉnh giảm thứ 4 liên tiếp của OPEC về nhu cầu dầu trong năm nay.

OPEC hôm 12/11 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 và 2025. Ảnh: Energia.gr
OPEC hôm 12/11 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 và 2025. Ảnh: Energia.gr

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết, nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 1,93 triệu thùng/ngày vào tháng trước. Bên cạnh đó, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2025 xuống còn 1,54 triệu thùng/ngày từ mức 1,64 triệu thùng/ngày.

Việc hạ dự dự báo tăng trưởng nhu cầu đã làm nổi bật thách thức mà gọi là OPEC+ đang phải đối mặt, sau khi hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12 tới trong bối cảnh giá dầu giảm.

Nhóm OPEC+ đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ giá dầu, hầu hết trong số đó được thực hiện cho đến cuối năm 2025.

Giới quan sát cảnh báo, thị trường dầu mỏ đối mặt triển vọng ảm đạm trong năm tới, với dự đoán giá dầu có thể giảm mạnh nếu OPEC+, tăng sản lượng bằng cách hạ các mức cắt giảm sản lượng hiện tại.

Chuyên gia trưởng về năng lượng Tom Kloza của Công ty OPIS cho biết, thị trường đang rất lo ngại về triển vọng giá dầu trong năm 2025. Ông cho rằng giá dầu có thể giảm xuống 30 USD/thùng hoặc 40 USD/thùng nếu OPEC+ tăng sản lượng và không đạt được thỏa thuận thực sự nào để kiềm chế nguồn cung. Theo vị chuyên gia này, thị phần của OPEC+ đã giảm đáng kể trong những năm qua.