Vì vậy, một số quy định mới ban hành được người dân kỳ vọng sẽ ngăn chặn kịp thời tình trạng sách nhiễu khi làm thủ tục về nhà đất.
Thông tư số 21/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT có hiệu lực từ ngày 6/2 quy định, từ năm 2023, UBND các tỉnh, TP phải thường xuyên tổng hợp và báo cáo kết quả hằng năm về nội dung thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác để Bộ TN&MT kiểm tra theo quy định.
Về nguyên tắc và phương thức, Thông tư trên thực hiện chủ yếu theo các điều khoản đã quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng. Với ngành TN&MT, phương thức này sẽ góp phần ngăn chặn vi phạm thông qua việc luân chuyển đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết một số công việc thuộc ngành TN&MT, đặc biệt là bộ phận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) - vốn có mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhận phải rất nhiều ý kiến phản ánh về sự chậm trễ, rườm rà, cũng như xảy ra tiêu cực trong những năm qua. Có cán bộ trở thành mắt xích trong đường dây “cò”, vẽ ra các chi phí bôi trơn, khiến người dân phải chi thêm một khoản tiền để làm dịch vụ nếu không muốn bị om hồ sơ.
Nhiều ví dụ có thể đưa ra, như tại
Hà Tĩnh, mới đây, cơ quan CSĐT Công an các huyện Kỳ Anh và Thạch Hà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng để điều tra về các hành vi "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ", trong số này có tới 11 cán bộ thuộc các văn phòng đăng ký đất đai, địa chính xã. Cơ quan truy tố xác định nhóm người này có hành vi nhận hối lộ, nhận tiền của người dân để làm nhanh sổ đỏ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh, TP khác, những vi phạm tương tự cũng xảy ra do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, tỷ lệ thuận với nhu cầu phát triển nhà ở của người dân với hàng nghìn hồ sơ cần giải quyết mỗi năm. Chính vì vậy, việc đưa ra các quy định chặt chẽ hơn trong công tác quản lý cán bộ được coi là biện pháp ngăn chặn từ gốc đối với tiêu cực, là bước cải tiến tạo thuận lợi hơn cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính.
Mặt khác, công tác luân chuyển tạo ra cơ chế sàng lọc đối với cán bộ chuyên môn yếu năng lực do có tính đối chiếu trong hiệu quả công việc. Qua đó, cơ quan quản lý có căn cứ để bố trí nhân sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cũng như xây dựng được kế hoạch đào tạo, chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên đủ trình độ, tâm và tầm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù công tác nhân sự có siết chặt tới đâu sẽ vẫn tồn tại khe hở. Do đó, các đơn vị chức năng cần song song tập trung thêm nguồn lực nhằm đầu tư vào chuyển đổi số, phục vụ đo đạc trong hoạt động đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ. Qua đó xây dựng cơ sở dữ liệu minh bạch, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận quy hoạch, nắm bắt kịp thời cơ chế chính sách, tránh cho chủ trương kê khai, cấp, đổi sổ đỏ bị một số cán bộ biến chất, lợi dụng làm công cụ sách nhiễu người dân, thu lợi bất chính.