Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Á ra mắt hệ thống thanh toán thay thế SWIFT của phương Tây

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Nhật báo Kahan của Iran, hệ thống thanh toán mới có khả năng thay thế hoàn toàn SWIFT và có thể tạo điều kiện thúc đẩy quá trình phi đô la hóa toàn cầu.

Châu Á vừa ra mắt hệ thống nhắn tin tài chính xuyên biên giới mới có thể thay thế hệ thống SWIFT của phương Tây. Ảnh: RT
Châu Á vừa ra mắt hệ thống nhắn tin tài chính xuyên biên giới mới có thể thay thế hệ thống SWIFT của phương Tây. Ảnh: RT

Nhật báo Kahan hôm 31/5 đưa tin Liên minh thanh toán bù trừ châu Á (ACU)  - nhóm 9 thành viên gồm các ngân hàng trung ương bao gồm cả Ấn Độ, Pakistan và Iran, vừa quyết định ra mắt một hệ thống nhắn tin tài chính xuyên biên giới mới vào tháng 6, như một giải pháp thay thế cho SWIFT.

SWIFT là tên viết tắt của Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications. Đây là Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu – tổ chức đứng sau hầu hết các giao dịch chuyển tiền quốc tế hiện nay. SWIFT được thành lập năm 1973.

Tờ Kahan dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Mohsen Karimi cho biết hệ thống thanh toán mới có khả năng thay thế hoàn toàn SWIFT và có thể tạo điều kiện thúc đẩy quá trình phi đô la hóa toàn cầu.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Iran thông báo, hệ thống tài chính mới sẽ chỉ được sử dụng bởi các quốc gia thành viên ACU, nhưng các quốc gia khác, bao gồm cả các nước bị trừng phạt như Syria, có thể đăng ký làm thành viên. Belarus và Mauritius được cho là đã liên hệ với liên minh này.

Phát biểu tại cuộc họp ACU ở Tehran hồi tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Mohammad Reza Farzin tuyên bố, việc giảm phụ thuộc thanh toán đối với USD sẽ giúp bảo vệ dự trữ ngoại hối của các quốc gia thành viên trong khi vẫn cho phép các thỏa thuận thương mại song phương giao dịch hiệu quả.

Theo tiết lộ gần đây của Bộ trưởng Kinh tế Iran, chưa đến 10% thương mại quốc tế của nước Cộng hòa Hồi giáo được thực hiện bằng đồng bạc xanh, giảm mạnh từ 30% hai năm trước đó.

Trong khi đó, Nga - quốc gia khác bị phương Tây trừng phạt - đã bắt đầu phát triển hệ thống thanh toán quốc gia của riêng mình khi Mỹ lần đầu tiên công bố các biện pháp trừng phạt vào năm 2014.

Năm ngoái, khi Moscow bị các nước phương Tây áp đặt thêm các lệnh cấm vận do tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều ngân hàng Nga đã bị loại khỏi SWIFT.

Thời điểm đó, chính phủ Nga bắt đầu thúc đẩy hệ thống trong nước như một giải pháp thay thế đáng tin cậy. Hệ thống SPFS của Nga đảm bảo việc chuyển các giao dịch chính giữa các ngân hàng cả trong và ngoài nước. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, hệ thống SPFS hiện có 469 thành viên, trong đó có 115 tổ chức nước ngoài đến từ 14 quốc gia.