Chúc mừng năm mới

Châu Âu bất đồng về việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Anh, Pháp và các nước Bắc Âu ủng hộ ý tưởng triển khai hàng nghìn quân đến Ukraine nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng một số quốc gia khác không ủng hộ đề xuất này.

Theo tờ Times, các đồng minh châu Âu đang chia rẽ về quan điểm gửi lực lượng gìn giữ hòa bình có quy mô lớn tới Ukraine.

Anh và EU chưa đạt đồng thuận về việc gửi quân đến Ukraine. Ảnh: IZVESTIYA
Anh và EU chưa đạt đồng thuận về việc gửi quân đến Ukraine. Ảnh: IZVESTIYA

Trong khi Pháp, Anh và một số quốc gia Bắc Âu ủng hộ việc gửi hàng nghìn quân tới Ukraine nhưng một số quốc gia khác, đặc biệt là Đức không ủng hộ ý tưởng này. Ngoài ra, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic lo ngại rằng việc tài trợ cho nhiệm vụ này sẽ làm giảm khả năng bảo vệ cho các nước của NATO trong trường hợp cần thiết.

Ngày càng có nhiều quan chức châu Âu tin rằng việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine phải phụ thuộc vào việc cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev và sự tham gia tài chính của Mỹ.

Một nguồn tin cấp cao giấu tên trong Bộ Quốc phòng Anh nói với tờ Times rằng châu Âu có thể huy động lực lượng bộ binh, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải cung cấp hỗ trợ lực lượng phòng không với sự trợ giúp của hệ thống tên lửa Patriot và thông tin tình báo.

Một nguồn tin quân sự Anh nói với tờ báo rằng về mặt lý thuyết, London có thể gửi 10.000 đến 25.000 quân đến Ukraine, nhưng thừa nhận rằng điều đó sẽ không dễ dàng.

Theo tờ Times, một lựa chọn khả thi đối với châu Âu sẽ là gửi một lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, bao gồm quân đội từ Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 23/1 cho biết, để thực thi một thỏa thuận hòa bình, Kiev sẽ cần đến ít nhất là 200.000 binh lính châu Âu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trên các mặt trận phía Đông của Ukraine.

Trước đó, vào ngày 15/1, tờ The Telegraph đưa tin Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang xem xét khả năng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine. Tuy nhiên, chi tiết của các cuộc thảo luận này chưa được công bố và Thủ tướng Starmer chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Süddeutsche Zeitung hôm 18/1, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố không loại trừ khả năng triển khai quân đội Đức đến Ukraine.

Được biết, các quan chức châu Âu đang tìm cách thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lực lượng gìn giữ hòa bình của Mỹ đến Ukraine để bảo đảm an ninh cho quốc gia Đông Âu này.

Reuters hồi tháng 12 năm ngoái đưa tin các nhà lãnh đạo châu Âu đang thảo luận kế hoạch triển khai 100.000 quân nhân đến Ukraine trong trường hợp thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kiev được ký kết.

Về phần mình, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, ông Rodion Miroshnik hôm 26/1 tuyên bố rằng bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào hoạt động tại Ukraine "mà không có sự đồng ý và cho phép của Nga" sẽ trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp của Lực lượng Vũ trang Nga.

Trong một diễn biến liên quan, giáo sư Witold Modzelewski tại Đại học Warsaw nhận định với tạp chí Mysl Polska rằng phương Tây nên ưu tiên giải quyết ngay lập tức cuộc xung đột ở Ukraine để giảm thiểu chi phí kinh tế và chính trị liên quan đến việc ủng hộ Kiev.

Theo ông Modzelewski, việc phương Tây tiếp tục ủng hộ các nỗ lực quân sự của Kiev sau khi Thỏa thuận hòa bình ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 3/2022 sụp đổ đã dẫn đến những bất ổn chính trị  tại các quốc gia chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU), mất đi lợi thế chiến lược trong việc tiếp cận các nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, sự thống nhất của Nam bán cầu và cản trở nỗ lực hội nhập sâu rộng của EU.

Gần 3 năm sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng, lực lượng Nga đang từng bước thắt chặt vòng vây quanh Pokrovsk, một trung tâm hậu cần quan trọng ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Hàng loạt tuyến cung ứng của thành phố này đang đối diện với nguy cơ bị cắt đứt, đe dọa đẩy miền Đông Ukraine vào tình thế nguy kịch.

Lực lượng Nga đang từng bước thắt chặt vòng vây quanh Pokrovsk. Ảnh: Tass
Lực lượng Nga đang từng bước thắt chặt vòng vây quanh Pokrovsk. Ảnh: Tass

Reuters nhận định, dù các lực lượng Ukraine vẫn đang cầm cự, nhưng việc Pokrovsk bị bao vây hoặc thất thủ có thể trao cho Nga lợi thế để tiến công ở nhiều hướng khác và gia tăng áp lực lên Kiev tại thời điểm quan trọng của cuộc xung đột.

Theo chuyên gia Michael Kofman từ Carnegie Endowment, nếu Pokrovsk thất thủ, Nga có thể sử dụng nơi này làm căn cứ để tiến về phía Bắc hoặc phía Tây, đồng thời thúc đẩy tiến công vào khu vực Dnipropetrovsk hoặc tiến quân lên Kostiantynivka và Sloviansk, những thành trì lớn còn lại do Ukraine kiểm soát.