Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, những động thái gây sốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến châu Âu phải bất ngờ.
Đầu tiên, theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin mà không cần sự tham vấn từ các đồng minh phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Tiếp đó, giới chức Mỹ và Nga đã tổ chức cuộc đàm phán cấp cao về vấn đề Ukraine tại Riyadh (Ả rập Saudi), trong khi giới chức châu Âu hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth còn thằng thừng tuyên bố Washington không còn là "người bảo đảm chính" cho an ninh châu Âu. Quan điểm này được ông Hegseth đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đã thảo luận về việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu, nhằm chuyển hướng tài nguyên và sự chú ý sang các điểm nóng chiến lược khác.
Những hành động này phá vỡ sự đồng thuận trước đây giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề an ninh, cũng như đảm bảo duy trì việc ủng hộ về mặt quân sự đối với Ukraine, đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào thế bị động.
Phản ứng lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người tự nhận vai trò dẫn dắt châu Âu – đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Paris vào ngày 17/2, quy tụ lãnh đạo các nước Đức, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, Italia, cùng đại diện của EU và khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Dù đặt mục tiêu thống nhất một lập trường chung, tăng cường quốc phòng, và giành lại tiếng nói trong các cuộc đàm phán về hòa bình cho Ukraine, hội nghị này lại phơi bày sự chia rẽ sâu sắc giữa chính các quốc gia của “lục địa già”.
“Lục đục” vấn đề an ninh
Một trong những điểm nóng được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris là đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu đến Ukraine, trong trường hợp nước này đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga.
Trong khi Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố sẵn sàng cử các lực lượng vũ trang đến Ukraine nếu có "sự bảo đảm an ninh từ Mỹ", thì các nước như Ba Lan và Đức lại tỏ ra dè dặt. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: "Nói về triển khai quân khi chưa có hòa bình là quá sớm và không phù hợp". Về phần mình, Tổng thư ký NATO Mark Rutte ủng hộ việc châu Âu đóng vai trò chủ động, nhưng chỉ với điều kiện có sự hỗ trợ từ Mỹ về mặt hậu cần.
Bất đồng càng biểu hiện rõ hơn khi Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof nhắc nhở: "Ngồi vào bàn đàm phán mà không đóng góp được gì là vô nghĩa". Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào được đàm phán mà không có sự tham gia của Kiev.
Các lãnh đạo châu Âu có sự đồng thuận về việc tăng ngân sách quốc phòng, song mức độ và cách thức vẫn là vấn đề tranh cãi. Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi các nước EU chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, trong khi Tổng thư ký NATO Mark Rutte đề xuất con số "trên 3%" để lấp đầy "khoảng cách lớn" so với Mỹ. Ba Lan – quốc gia chi tới 4% GDP cho quốc phòng – trở thành hình mẫu, nhưng nhiều nước khác như Tây Ban Nha, Italia vẫn chần chừ do lo ngại ảnh hưởng đến ngân sách xã hội.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhận định: "Châu Âu phải tự lực hơn trong bối cảnh Mỹ thay đổi chính sách". Ông cũng cảnh báo về "giai đoạn mới" trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nơi châu Âu không thể mãi phụ thuộc vào Washington.
Mỹ và Nga thờ ơ
Phía Mỹ tiếp tục thể hiện thái độ xem thường vai trò của châu Âu trong cuộc đàm phán mới đây tại Ả-rập Saudi. Keith Kellogg - đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về vấn đề Nga và Ukraine, tuyên bố việc có sự tham gia của tất cả các bên tại bàn đàm phán là "không khả thi", ngụ ý rằng châu Âu sẽ không có một vai trò trực tiếp nào trong các cuộc thảo luận về hòa bình ở Ukraine.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu có tính chế giễu: "Tôi không biết châu Âu có gì để làm ở đây", làm rõ thêm sự xem nhẹ của Moscow đối với vai trò của châu lục này trong các cuộc đàm phán với Washington. Những phát ngôn trên làm dấy lên lo ngại trong EU về việc bị Mỹ và Nga loại trừ khỏi các quyết định chiến lược liên quan đến tương lai của châu Âu.
Giới phân tích, như chuyên gia quan hệ quốc tế Nigel Gould-Davies từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định châu Âu đang ở "vùng lãnh thổ chưa được khám phá" khi phải đối mặt với hai mặt trận: vừa duy trì liên minh với Mỹ, vừa tự củng cố an ninh. Việc Mỹ đột ngột rút khỏi vai trò lãnh đạo truyền thống khiến EU buộc phải xem xét lại các chiến lược dài hạn của mình.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn kiên định: "Ukraine sẽ không chấp nhận một nền hòa bình bị áp đặt". Lời cảnh báo của ông phản ánh thực tế rằng, bất chấp nỗ lực của châu Âu, tiến trình đàm phán vẫn phụ thuộc lớn vào động thái của Mỹ và Nga.
Ngã rẽ mới đầy bất trắc
Hội nghị tại Paris kết thúc với nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Dù các lãnh đạo châu Âu tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine, họ vẫn chưa thể thống nhất về cơ chế đảm bảo an ninh hoặc kế hoạch triển khai quân sự nếu một thỏa thuận ngừng bắn được triển khai.
Truyền thông phương Tây nhận định, sự thiếu vắng tiếng nói chung có thể khiến EU buộc phải lựa chọn 2 kịch bản: trở thành "bên ủy nhiệm" cho Mỹ hoặc tự vạch lộ trình riêng. Song dù ở phía nào, viễn cảnh trước mắt vẫn đầy thách thức trong bối cảnh Nga tiếp tục củng cố ảnh hưởng của mình.
Với sự chia rẽ nội bộ và áp lực từ bên ngoài, châu Âu đang đứng trước bài toán khó: Làm thế nào để vừa duy trì đoàn kết, vừa khẳng định vị thế trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu?
Theo chuyên gia Nigel Gould-Davies, trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump đã thể hiện sự không chắc chắn trong cam kết với NATO và các đồng minh, châu Âu phải tìm cách tự củng cố khả năng phòng thủ, như tăng cường hợp tác quân sự nội khối EU thông qua các sáng kiến như Hợp tác Cấu trúc Thường trực (PESCO) và Quỹ Quốc phòng châu Âu.
Đồng thời, châu Âu cũng phải tìm kiếm các đối tác mới hoặc củng cố mối quan hệ với các nước khác như Canada, Nhật Bản, và các quốc gia ASEAN để đa dạng hóa lựa chọn an ninh. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào Mỹ về mặt quân sự và tình báo vẫn là một yếu tố mà châu Âu không thể dễ dàng từ bỏ, dẫn đến một thách thức lớn trong việc cân bằng giữa độc lập an ninh và duy trì quan hệ đồng minh truyền thống.