Giới quan sát quốc tế đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, là việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ chính thức “phát nổ”, tạo ra cái thực sự gọi là “chiến tranh thương mại”. Một cuộc chiến như thế diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Nói như ông Heenam Choi, Giám đốc điều hành (CEO) tại quỹ đầu tư quốc gia Hàn Quốc Korea Investment Corporation (KIC), thậm chí cuộc chiến tranh thương mại này sẽ tạo ra đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp theo.
|
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng tiếp tục leo thang vì đàm phán bế tắc. Ảnh: Reuters |
Theo ông Choi, khi kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác đang tìm cách siết chặt chính sách tiền tệ. Điều này có thể dẫn tới một viễn cảnh siết chặt thanh khoản bất chợt tại một số thị trường mới nổi. Siết chặt thanh khoản là hiện tượng diễn ra khi các điều kiện kinh tế tại một quốc gia quá chật, và việc vay tiền trở nên khó khăn hơn khi các ngân hàng cần đảm bảo kho tiền, khiến nhu cầu và đầu tư sụt giảm, từ đó kéo theo sự trì trệ của kinh tế nói chung.
Cảnh báo trên được CNBC đưa ra trong bản tin ngày 17/9, giữa lúc thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu tiến hành áp thuế nhập khẩu lên 200 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc. Theo tin tức của tờ Wall Street Journal, hành động của ông Trump đang khiến chính quyền Trung Quốc cân nhắc lại đề nghị đàm phán với Mỹ. Hồi tuần trước, Trung Quốc vốn được biết đã sẵn lòng chấp nhận lời mời gặp gỡ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, và sự cố có thể sẽ xảy ra chỉ bằng một dòng trạng thái đe dọa mà ông Trump đưa lên Twitter.
Được biết, quan chức Mỹ - Trung đã gặp gỡ 4 lần trong các sự kiện đàm phán chính thức, gần nhất là hồi tháng 8 qua. Nhưng tất cả đều đổ vỡ, và hiện nay Mỹ đang áp thuế nhập khẩu lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, cũng như đang cân nhắc áp thêm lên 200 tỷ USD nữa như chỉ đạo của ông Trump.
Câu chuyện trên một lần nữa thể hiện sự bất nhất trong chính quyền Mỹ, mà cụ thể là những lần Tổng thống Trump đưa ra các thông điệp… trái ngược với những gì cấp dưới nói và làm. Hãng tin Bloomberg nhận xét rằng, nhiều lần các tiến độ trong đàm phán giải quyết vấn đề thương mại Mỹ - Trung cũng chững lại sau khi ông Trump nói khác đi. Khi mọi thứ lại tiếp tục như vậy, các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ càng khó khăn hơn do phía Trung Quốc sẽ không có niềm tin rằng bất kỳ thỏa thuận cấp quan chức nào sẽ được Tổng thống Mỹ tôn trọng. Kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại ngân hàng ANZ ở Hong Kong Raymond Yeung nói: “Hai bên vẫn đang thiếu niềm tin. Trung Quốc xem hành động của Mỹ sau chuyến thăm của ông Lưu Hạc hồi tháng 5 là sự thiếu tôn trọng”.
Cũng theo Wall Street Journal, Trung Quốc đang chuẩn bị để đàm phán trong tư thế “súng đặt lên đầu” và các quan chức Trung Quốc cũng cân nhắc các bước trả đũa tiềm năng. Lúc này, Bắc Kinh đã liệt kê chi tiết hàng ngàn mặt hàng Mỹ có thể gặp thuế nhập khẩu nếu như mức thuế quan lên 200 tỷ USD của ông Trump được triển khai.