Cụ thể, giá dầu Brent sụt giảm 51 xu Mỹ, tương đương 1,1%, xuống còn 48,28 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 45 xu Mỹ, tương đương 1%, về mức 45,31 USD/thùng. Giá cả hai mặt hàng dầu chủ chốt này đã lao dốc 1% khi đóng cửa phiên ngày 7/12.
Số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, buộc giới chức phải triển khai các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội cũng như lệnh phong tỏa một phần như ở bang California, Mỹ, Đức và Hàn Quốc.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 8/12, toàn thế giới có gần 69 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 1,5 người tử vong.
“Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp tại một số nơi như Mỹ và các nước châu Âu. Điều này đang tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong những phiên sắp tới” ông Lachlan Shaw - trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng Quốc gia Australia nhận xét.
Tại Mỹ, bangCalifornia ngày 7/12 đã yêu cầu gần như toàn bang phải đóng các cửa hàng và người dân phải ở trong nhà theo một sắc lệnh mới có hiệu lực trong ít nhất là ba tuần.
Theo chuyên gia thị trường Stephen Innes của Axi, California là một trong những bang có nhu cầu nhiên liệu cho phương tiện đường bộ lớn nhất của Mỹ.
Trong khi đó, chính phủ Pháp cho biết nước này có thể hoãn dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa trong tuần tới sau khi có những dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm số ca mắc mới chậm lại do các cửa hàng được phép mở cửa trở lại vào cuối tháng trước.
Giá dầu vừa chứng kiến tuần leo dốc thứ 5 liên tiếp nhờ thông tin tích cực liên quan đến vaccine ngừa Covid-19. Các nhà phân tích đang theo dõi sát những diễn biến về quá trình đàm phán gói kích thích kinh tế mới tại Mỹ cũng như ảnh hưởng từ quyết định nới lỏng nguồn cung của các nhà sản xuất dầu chủ chốt.
Gói kích thích kinh tế mới của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng việc làm và từ đó làm gia tăng nhu cầu năng lượng.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, hồi tuần trước nhất trí tăng sản lượng 500.000 thùng/ngày từ đầu năm 2021, từ giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện tại xuống còn giảm 7,2 triệu thùng/ngày.
Các số liệu mà Viện xăng dầu Mỹ dự kiến sẽ công bố trong ngày 8/12 và Chính phủ công bố một ngày sau đó được dự báo cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm trong tuần trước.
Thị trường “vàng đen” chịu áp lực giảm giá trong phiên này do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Reuters hôm 7/12 đưa tin Mỹ chuẩn bị trừng phạt hơn 10 quan chức Trung Quốc với cáo buộc có liên quan đến việc Bắc Kinh loại bỏ các nghị sĩ đối lập đắc cử tại Hồng Kông.
Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới, đã hỗ trợ tích cực cho thị trường năng lượng trong năm nay. Trong 11 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập tổng cộng 503,92 triệu tấn, tương đương 10,98 triệu thùng/ngày, tăng 9,5% so với năm trước.
Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá so với 6 đồng tiền chủ chốt khác khác trong phiên ngày 8/12 cũng gây sức ép lên giá hàng hóa.