Trong phiên giao dịch ngày 16/3, thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc với Dow Jones và S&P 500 quay đầu tăng nhẹ nhờ vào số liệu sản lượng công nghiệp mạnh. Tuy nhiên, tính chung trong tuần cả 3 chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm.
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. |
Cụ thể, sản lượng công nghiệp trong tháng 2 nhích 1,1%, mức tăng mạnh nhất trong 4 tháng. Lĩnh vực công nghiệp tiến 1% và dẫn đầu đà tăng trong số các lĩnh vực chính thuộc S&P 500, khi giá dầu vọt 1,7%. Trong khi đó, Nasdaq Composite gần như đi ngang khi khép phiên cuối tuần.
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc trong ngày thứ Sáu để kết thúc một tuần đầy biến động do những lo ngại về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và bất ổn chính trị tại Nhà Trắng, bắt đầu bằng việc Ngoại trưởng Rex Tillerson bị cách chức.
Thị trường hiện đang hướng sự quan tâm tới cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần tới, với dự đoán ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp này. Các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất, như tiện ích và bất động sản, đều tăng điểm trong ngày thứ Sáu, nhưng các lĩnh vực này có thể có thành quả kém nếu lãi suất tăng mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số Dow Jones tiến 72,85 điểm (tương đương 0,29%) lên 24.946.51 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 4,68 điểm (tương đương 0,17%) lên 2.752.01 điểm và chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,25 điểm (tương đương 0%) lên 7.481.99 điểm.
Trong tuần qua, Dow Jones sụt 1.57%, S&P 500 mất 1.04% và Nasdaq Composite giảm 1.27%.
Số cổ phiếu tăng vượt số cổ phiếu giảm trên sàn New York theo tỷ lệ 2.01:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1.48:1. Khoảng 9.54 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, cao hơn mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 7.2 tỷ, dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 16/3, giữa lúc tâm lý giới đầu tư đang bị đè nặng bởi lo ngại về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Mặc dù triển vọng kinh tế thế giới lạc quan, thị trường chứng khoán vẫn chịu sức ép từ nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại toàn cầu, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định nâng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ thay đổi nhân sự chủ chốt trong nội các chính phủ càng khiến tình hình thêm phần căng thẳng.
Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã bỏ lỡ đà tăng ở đầu phiên và quay đầu giảm 127,44 điểm (0,58%), xuống 21.676,51 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng 0,97% trong tuần.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 127,44 điểm (0,58%), xuống 21.676,51 điểm trong phiên cuối tuần. |
Đồng yen Nhật mạnh lên và vụ bê bối giả mạo giấy tờ liên quan tới Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso là những nhân tố khiến thị trường Tokyo đi xuống trong phiên cuối tuần. Bộ trưởng Aso đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ sau khi Bộ Tài chính tuần này thừa nhận làm giả những giấy tờ liên quan tới vụ bán đất công gây tranh cãi cho một chủ trường học có quan hệ với phu nhân của Thủ tướng Shinzo Abe.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chính là Thượng Hải và Hong Kong đều đi xuống. Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt hạ 21,23 điểm (0,65%) và 39,13 điểm (0,12%), xuống các mức tương ứng 3.269,88 điểm và 31.501,97 điểm.
Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán Sydney của Australia và Seoul của Hàn Quốc lại đồng loạt tăng điểm.