Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán châu Á “hồi sức” khi ông Trump định trì hoãn tăng thuế ô tô

Nguyễn Thu (Theo Reuters. CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu châu Á tiếp tục tăng điểm trong ngày 16/5 nhờ thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch trì hoãn áp thuế đối với ô tô.

Ông Trump đem đến niềm vui cho nhà đầu tư châu Á
Thị trường chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 16/5 khi tâm lý nhà đầu tư phấn chấn trở lại sau thông tin Tổng thống Mỹ không muốn leo thang căng thẳng thương mại khi có ý định trì hoãn đánh thuế ô tô nhập khẩu.
Một báo cáo cho rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ giữ mức thuế nhập khẩu đối với ô tô và phụ tùng nhập khẩu, cùng triển vọng Mỹ - Trung vẫn có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại giúp thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên này.
 Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên 16/5.
Những thông tin tích cực trên đã tạo lực đẩy quan trọng cho các thị trường tài sản rủi ro vốn đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại và dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu.
Chỉ số chứng khoán MSCI cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giữ ổn định. Thị trường chứng khoán Australia và Hàn Quốc đi ngang sau phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp.
Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Nhật Bản giảm 0,6% do các cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng thu nhập kém khả quan.
Thị trường chứng khoán châu Á chứng kiên đà hồi phục mạnh mẽ sau khi 3 quan chức chính quyền Washington nói với hãng tin Reuters hôm 15/5 rằng ông Trump dự kiến ​​sẽ trì hoãn quyết định về tăng thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu trong 6 tháng.
Cổ phiếu của Hyundai Motor đã tăng hơn 5%, song cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản không biến động nhiều sau thông tin tích cực này.
Cũng trong ngày 15/5, chưa đầy một tuần sau khi Washington áp thuế mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông có thể sẽ tới Bắc Kinh sớm để tiếp tục đàm phán với các đối tác Trung Quốc.
Các diễn biến thương mại tích cực đã hạn chế bớt tâm lý lo ngại của giới đầu tư đối với tài sản rủi ro bởi dữ liệu kinh tế không tích cực.
Theo báo cáo mới nhất, số liệu doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 tăng chậm nhất kể từ tháng 5/2003.
Trong khi đó, tại Mỹ, doanh số bán lẻ bất ngờ sụt trong tháng 4 trong bối cảnh các hộ gia đình cắt giảm mua xe ô tô và một loạt các hàng hóa khác, và sản xuất công nghiệp cũng hạ 0,5%, chứng khiến tháng giảm thứ 3 kể từ đầu năm.
 
Phố Wall tăng phiên thứ 2 nhờ căng thẳng thương mại “hạ nhiệt”
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong phiên 15/5 nhờ thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch trì hoãn áp thuế đối với ô tô.
Thông tin về việc chính phủ Mỹ sẽ trì hoãn thuế ô tô tới 6 tháng lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo của Bloomberg, đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu ô tô tăng vọt.
Cụ thể, cổ phiếu Fiat Chrysler tăng 1,9%, cổ phiếu Ford Motor và General Motors lần lượt nhích 1,2% và 0,9%.
 Chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày 15/5.
“Nếu bạn nhìn vào biến động trên thị trường trong ngày hôm nay, điều này cho thấy các nhà đầu tư trở nên nhạy cảm như thế nào đối với thông tin thương mại”, Jeff Kravetz - Giám đốc đầu tư khu vực tại U.S. Bank Wealth Management, cho hay.
Trong phiên này, thị trường Phố Wall cũng tăng điểm mạnh nhờ đà leo dốc của các cổ phiếu Boeing và Alphabet. Cổ phiếu Boeing tiến 0,8% sau khi Cục Hàng không Liên bang dự báo gã khổng lồ ngành hàng không vũ trụ sẽ sớm gửi về bản sửa lỗi phần mềm của dòng máy bay 737 Max. Cổ phiếu Alphabet nhảy vọt 4,1% sau khi Deutsche Bank nâng mục tiêu giá đối với công ty này từ 1.300 USD/cp lên 1.400 USD/cổ phiếu.
Chứng khoán Mỹ ban đầu giảm điểm sau khi dữ liệu kinh tế yếu hơn dự báo đã làm tăng lo ngại rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ ở nước này sụt 0,2% trong tháng 4, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0,2% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu công bố hôm 15/5, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 5,4% trong tháng 4, tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 5/2003, thấp hơn dự báo nhích 6,5% của cuộc thăm dò của Refinitiv. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc cũng khiến các chuyên gia kinh tế thất vọng.
Dữ liệu kinh tế không khả quan tại Mỹ và Trung Quốc được công bố khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang. Hồi đầu tuần này, Trung Quốc đã nâng thuế “trả đũa” đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ sau khi Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Mỹ cũng đưa ra khả năng áp thuế bổ sung đối với 325 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump hôm 14/5 nói rằng Mỹ hiện đang ở “vị thế tốt hơn nhiều so với bất kỳ thỏa thuận nào mà chúng tôi có thể thực hiện”.
Chuyên gia kinh tế Mỹ cấp cao Veneta Dimitrova tại Ned Davis Research nhận định: “Sự leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rõ ràng tác động tiêu cực đối với triển vọng tăng trưởng của cả 2 nước và của nền kinh tế toàn cầu. Thuế quan sẽ dẫn đến lạm phát tăng cao, sự không chắc chắn về chính sách ngày càng nhiều, tăng trưởng việc làm và vốn chậm lại, cũng như tăng trưởng sản xuất yếu hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5, chỉ số Dow Jones vọt 115,97 điểm lên 25.648.02 điểm sau khi giảm tới 190 điểm hồi đầu phiên. Chỉ số S&P 500 tăng 0,6% lên 2.850.96 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite tiến 1,1% lên 7.822.15 điểm./.