Chứng khoán châu Á lao dốc do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu châu Á tiếp tục giảm điểm trong phiên 30/5 do giới đầu tư lo ngại về tác động của cuộc chiến thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chứng khoán châu Á trong phiên này cũng chịu tác động từ đà lao dốc của thị trường Phố Wall trong phiên 29/5 khi những tranh cãi của Bắc Kinh và Washington về các vấn đề thương mại gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư cổ phiếu.
 Chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm trong phiên 30/5.
Lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc đã thúc đẩy giới đầu tư rời bỏ tài sản rủi ro, tìm đến các kênh trú ẩn an toàn hơn như trái phiếu chính phủ.
Trong phiên giao dịch này, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đi ngang sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 4 tháng trong phiên trước đó.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 hạ 0,5% và chỉ số của chứng khoán Australia giảm 0,66%.
Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi truyền thông Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm để tấn công lại Washington sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông chưa sẵn sàng đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Chiến lược gia cấp cao Soichiro Monji của Sumitomo Mitsui DS Asset Management nhận xét: “Các thị trường cổ phiếu toàn cầu đang bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại dài hạn, vì vậy các nhà giao dịch đang định hình danh mục đầu tư của họ để dự đoán về một cuộc xung đột kéo dài”.
Theo nhà chiến lược Monji, hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới có thể giúp nhà đầu tư bớt lo lắng hơn về căng thẳng thương mại, vì Mỹ và Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để bắt đầu đàm phán lại về thương mại.
Cuộc họp G20 được tổ chức vào ngày 28 - 29/6 tại Nhật Bản.
Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện ở mức 2,267% sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng còn 2,210% trong phiên 29/5.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác ổn định ở mức 98,139 điểm sau hai phiên tăng liên tiếp.
Tỷ giá đồng euro tăng so với USD lên mức 1 euro đổi được 1,1141 USD sau 3 ngày giảm liên tiếp.
So với yen Nhật, đồng USD tăng lên mức 1 USD “ăn” 109,615 yen, phục hồi từ mức thấp nhất 2 tuần xuống còn 109.150 yen ghi nhận trong phiên 29/5.