Chứng khoán châu Á: Ngược chiều xu hướng chung, cổ phiếu Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Trung Quốc duy trì đà khởi sắc trong phiên 20/7 trong khi hầu hết các thị trường châu Á đều đi xuống.

Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán châu Á ở thế “phòng thủ” trong phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, cổ phiếu Trung Quốc tiếp tục tăng sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một và 5 năm vì nhận thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi tích cực.
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục leo dốc trong phiên 20/7.
Diễn biến dịch Covid-19 tại Hồng Kông (Trung Quốc) được đánh giá là đang rất nghiêm trọng và không thể kiểm soát. Mỹ và châu Âu đều đang thảo luận về gói kích thích kinh tế mới sau khi nhiều khu vực phải tái áp đặt biện pháp hạn chế để ngăn dịch Covid-19 lây lan trở lại.
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0,12% trong phiên sáng 20/7, với hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều giảm điểm.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt 0,13%, trong khi Topix đi ngang trong phiên giao dịch ngày 20/7. Giới đầu tư đang mua vào những cổ phiếu được hiện định giá thấp hơn giá trị thực tế song có triển vọng dài hạn rất hứa hẹn.
Những hy vọng về việc nghiên cứu và điều chế thành công vaccines phòng Covid-19 đã tạm thời thúc đẩy giá của các cổ phiếu Nhật Bản, song tâm lý thận trọng đã khiến giới đầu tư hạn chế mua tiếp cổ phiếu trong phiên đầu tuần.
Ngay trước khi mở cửa phiên giao dịch 20/7, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết xuất khẩu và nhập khẩu của nước này trong tháng 6 giảm 26,2% và 14,4% so với cùng kỳ năm 2019 khi đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh doanh trên toàn cầu.
Xuất khẩu của Nhật Bản cũng giảm 28,3% trong tháng 5, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do lượng xuất khẩu ô tô sang thị trường Mỹ sụt mạnh. Cổ phiếu các hãng ô tô lớn của Nhật Bản lao dốc, trong đóNissan mất 3,12%, Mitsubishi Motor hạ 2,12% và Suzuki giảm 3,79%.
Tại một số thị trường khác, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm 0,13%.
Chỉ số ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 0,54% và 0,1%.
Trung Quốc là một trong số ít thị trường đi ngược lại xu hướng chung của chứng khoán châu Á, với Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 2,63 và 1,75%. Cổ phiếu Trung Quốc đại lục duy trì đà phục hồi từ tuần trước sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một và 5 năm với đánh giá rằng nền kinh tế đang phục hồi tích cực.
Chỉ số Hang Seng của sàn Hồng Kông mất 0,6%, với cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực trò chơi, công nghệ và tài chính đồng loạt giảm. Nguyên nhân là chính quyền TP quyết định thắt chặt các biện pháp hạn chế trở lại sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên hơn 100 trường hợp chỉ trong một ngày. Trưởng đặc khu Carrie Lam cho biết tình hình đang rất nghiêm trọng và không có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh đang được kiểm soát.
Giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng trong khi chờ kết quả từ Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu nhằm tìm ra kế hoạch phục hồi kinh tế. Các nhà lãnh đạo của khu vực này được cho là sẽ thành lập một quỹ phục hồi để giúp các nền kinh tế cải tổ.
Tại Mỹ, Quốc hội nước này cũng dự kiến bắt đầu tranh luận về gói kích thích kinh tế mới trong tuần này, do một số bang ở miền nam và tây phải tái áp đặt biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch Covid-19 tiếp tục lây lan. Mỹ hiện có 3,7 triệu ca nhiễm và vẫn là “ổ dịch” lớn nhất thế giới.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên 96,009 điểm sau khi sụt còn hơn 95 điểm trong phiên trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần