Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán châu Âu lao đao sau vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên ngày 16/9 sau các vụ tấn công các cở sở lọc dầu của Ả Rập Saudi - quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Theo đó, phần lớn các cổ phiếu trên thị trường châu Âu quay đầu đi xuống trong ngày 16/9 sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Ả Rập Saudi và dữ liệu kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 8 gia tăng lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.
Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ của công ty dầu mỏ quốc gia Aramco của Saudi hôm 14/9 khiến vương quốc dầu mỏ phải cắt giảm hơn 5% nguồn cung dầu toàn cầu, đẩy giá “vàng đen” nhảy vọt tới 19% trong phiên sáng 16/9.
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên 16/9.
Vụ tấn công đã làm giá dầu tăng mạnh, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép mở các kho dự trữ dầu chiến lược của nước này để ổn định nguồn cung.
Giới chuyên gia nhận định, vụ tấn công có thể gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu. Ả Rập Saudi hiện đang chạy đua với thời gian để sửa chữa và hoạt động lại các nhà máy dầu bị tấn công.  
Nhờ giá dầu nhảy vọt, cổ phiếu của các công ty khai thác dầu mỏ Anh và Ai len đã chứng kiến mức tăng 7%, dẫn đầu chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 trong phiên này.
Trong khi đó, tất cả các chỉ số chứng khoán chính ở châu Âu đều sụt giảm trong ngày 16/9, trong đó cổ phiếu của các công ty du lịch và giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 1,0%.
Nhà phân tích thị trường David Madden tại trung tâm CMC nhận xét: “Thông thường, giá dầu đi lên là nhờ nhu cầu trên thị trường tăng cao, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nguồn cung dầu đang rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng do các cuộc tấn công vào các sơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi, đây là kịch bản xấu nhất đối với cả nguồn cung cũng như nhu cầu trên thị trường năng lượng toàn cầu”.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán châu Âu cũng chịu áp lực từ số liệu tăng trưởng kinh tế yếu kém của Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến với Mỹ đang kéo dài. Trong khi đó, Đức - đầu tàu kinh tế châu Âu, có khả năng chứng kiến cuộc suy thoái.
Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc ngày 16/9 công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 8 chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua và thấp hơn 0,4% so với mức được công bố hồi tháng 7.
Con số này thấp hơn kỳ vọng 5,2% vốn được các nhà phân tích dự đoán trong cuộc khảo sát trước đó của hãng Bloomberg. Ngoài ra, mức tăng doanh số bán lẻ cũng chỉ đạt 7,5%, giảm 0,1% so với tháng trước đó.
Chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 và chỉ số cổ phiếu của  Đức, vốn nhạy cảm với thông tin thương mại, đều lao dốc 0,6%.
Thị trường cổ phiếu châu Âu đã giao dịch khởi sắc trong phiên ngày 13/9, ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp, khi các nhà đầu tư lạc quan  với các động thái thiện chí từ Mỹ và Trung Quốc trước vòng đàm phán thương mại mới.
Trong cuộc họp chính sách tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định cắt giảm lãi suất mạnh và tái khởi động việc mua trái phiếu, báo hiệu ECB sẽ nỗ lực để hỗ trợ tăng trưởng khu vực Eurozone.
Các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu hiện đang tập trung chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bắt đầu từ ngày 18/9, nơi ngân hàng trung ương dự kiến ​​sẽ giảm lãi suất và đưa ra những tín hiệu mới về điều hành chính sách tiền tệ.