Chứng khoán hôm nay (6/1): Khuyến nghị những cổ phiếu nên đầu tư trong năm 2022

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã bước vào năm 2022 với 2 phiên giao dịch đầu tháng 1 tăng mạnh về khối lượng và giá trị nhưng lại diễn biến trái chiều về điểm số. Một số công ty chứng khoán đã đưa ra những dự báo tích cực về TTCK năm 2022 và khuyến nghị đầu tư.

Yếu tố tác động lên thị trường

TTCK Việt Nam trải qua năm 2021 đầy thách thức khi dịch bệnh Covid-19 gia tăng. Tuy nhiên, kết thúc năm chứng khoán Việt vẫn gặt hái thành công trên cả điểm số, khối lượng và giá trị thanh khoản, số lượng nhà đầu tư tham gia.

Tâm lý thị trường đã trở nên tiêu cực vào đầu tháng 12/2021 do lo ngại ngày càng tăng về biến thể Omicron khiến chỉ số VN-Index giảm xuống mức thấp nhất trong tháng là 1.413,6 điểm, tương đương giảm 4,4% sơ với đầu tháng.

Diễn biến tăng trưởng của TTCK trong năm 2021. Nguồn SSI.
Diễn biến tăng trưởng của TTCK trong năm 2021. Nguồn SSI.

Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng phục hồi trở lại lên mức 1.498,28 điểm vào ngày 31/12, phiên cuối cùng của năm 2021, tăng 35,7%, tương đương tăng 395 điểm trong năm 2021. Thanh khoản trong tháng 12/2021 sụt giảm do sự lây lan của biến thể Omicron đã phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế cũng như tâm lý chốt lời gia tăng. Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm 17,1% so với tháng trước xuống còn 33.457 tỷ đồng/phiên, nhưng tăng 122,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá trung bình có mức sinh lời vượt trội so với thị trường. Giá trị giao dịch bình quân của VNMid - đại diện cho cổ phiếu vốn hóa trung bình giảm 10,6% so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số VNMid-Index vẫn tăng 5,9% so với đầu tháng 12 và vượt qua hiệu suất của VNSML-Index tăng 4,3% so với đầu tháng, còn VN30-Index giảm 1,5% so với đầu tháng.

Dù TTCK năm 2021 và tháng 12/2021 có nhiều thách thức, nhưng giới phân tích đều nhìn nhận có khá nhiều điểm tích cực. Theo Công ty chứng khoán VNDIRECT Research: Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong quý 4/2021. Cụ thể, GDP đã bật tăng trong quý 4/2021, với mức tăng 5,2% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo trước đó là tăng 3,3%, cả ba trụ cột của nền kinh tế đều phục hồi nhanh hơn dự kiến. Sự hồi phục mạnh mẽ của GDP Việt Nam trong quý 4/2021 cho thấy sự phục hồi hình chữ V của nền kinh tế và củng cố tâm lý thị trường chứng khoán.

Theo SSI Research: VN-Index đã chinh phục thành công cột mốc 1500 và vươn lên kết phiên đầu năm mới 2022 ở mức 1,525.58, với 17/19 ngành tăng điểm với sự góp mặt của nhóm đầu tư công, ngân hàng và đóng góp nhiều nhất là bất động sản.

Phiên giao dịch đầu năm 2022, VN-Index đã phá vùng kháng cự 1.500 điểm, thanh khoản tăng mạnh cho thấy xu hướng tăng rõ ràng hơn trong thời gian sắp tới. Khả năng cao SSI Research dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.620 điểm trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Những dự báo triển vọng về thị trường năm 2022

VNDIRECT Research nhận định: Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) duy trì khả quan trong năm 2022 là bệ đỡ vững chắc cho VN-Index. Sau mức tăng trưởng đầy ấn tượng của các DNNY trong 9 tháng của năm 2021, VNDIRECT Research kỳ vọng lợi nhuận của các DNNY trên HOSE năm 2021 sẽ tăng 39% so với cùng kỳ và tăng 23% trong năm 2022.

VNDIRECT Research có quan điểm tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán trong tháng 1/2022 dựa trên những yếu tố như: Sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của các động lực tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); gói kích thích kinh tế mới được phê duyệt vào tháng 1 năm 2022; định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn trong dài hạn. VNDIRECT kỳ vọng chỉ số VN-Index dao động trong khoảng từ 1.480-1.580 điểm trong tháng 1/2022.

Các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được dự báo khả quan trong năm 2022. Nguồn SSI.
Các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được dự báo khả quan trong năm 2022. Nguồn SSI.

Còn chuyên gia chứng khoán tại SSI lại nhận định: TTCK có khá nhiều yếu tố để tăng mạnh trong năm 2022. Cụ thể, về vĩ mô mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Chính phủ nằm trong khoảng 6%-6,5%/năm. Chỉ số giá tiêu (CPI) tăng khoảng 4%/năm. SSI Research cho rằng trong trường hợp gói kích thích kinh tế mới được thông qua giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên nền so sánh thấp giai đoạn 2020-2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý 3/2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số). Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ ít nhất là thêm một năm nữa.

Lãi suất chạm đáy, động thái tăng lãi suất, dù đến từ Cục dự trữ liên bang Mỹ hay Ngân hàng Nhà nước cũng đều tạo ra hiệu ứng tâm lý kém khả quan trong ngắn hạn đối với nhà đầu tư. Động thái này có thể xảy ra từ giữa năm 2022 và tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, SSI kỳ vọng lãi suất sẽ không tăng mạnh và do vậy không có tác động đáng kể đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2022. Lãi suất duy trì ở mức thấp là yếu tố quan trọng để hỗ trợ TTCK cũng như thị trường bất động sản (BĐS) sôi động.

Cùng với đó, yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 còn là gói kích thích kinh tế được Quốc Hội thông qua vào đầu tháng 1 vừa qua.

Top ngành nghề khuyến nghị nên đầu tư năm 2022

Theo SSI Research, với hàng loạt các hiệp định thương mại được Việt Nam và các nước ký kết từ năm ngoái đến nay đang mở ra co hội xuất khẩu cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Do đó, các cổ phiếu trong lĩnh vực xuất khẩu như thủy sản, dệt may và vận tải biển là nhóm ngành khuyến nghị đầu tư nhóm 1.

Đứng sau là một số loại hàng hóa có thể đạt mức giá cao trong nửa đầu năm 2022 bao gồm phân bón, thủy sản, hóa chất và mía đường. Ngành hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng, BĐS dân dụng và BĐS khu công nghiệp. Ngành hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp là chứng khoán và BĐS dân dụng.

SSI dự báo, nửa cuối năm 2022 có thể là thời điểm có triển vọng rõ ràng hơn về cơ chế kiểm soát đại dịch Covid-19 và các rủi ro kể trên. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ mạnh mẽ hơn so với mức thấp của năm 2021, do nhu cầu tiêu dùng trong nước hồi phục và tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh hơn so với nửa đầu năm.

Các sáng kiến phát triển thị trường vốn (việc triển khai T+0 và mô hình bù trừ thanh toán trung tâm - CCP) dự kiến cũng sẽ là các yếu tố chính thúc đẩy thị trường trong năm 2022. Việc triển khai T+0 và CCP có thể hỗ trợ cho xác suất nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell Index được công bố vào tháng 9/2022.

Ngành Ngân hàng chiếm 31% tổng vốn hóa thị trường và là một trong ngành hưởng lợi chính khi Việt Nam dần khôi phục nền kinh tế từ nửa cuối năm 2022. Do đó, khả năng cao ngành Ngân hàng sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho VN-Index. Bên cạnh đó, ngành bán lẻ cũng có diễn biến tích cực nhờ hưởng lợi từ sự hồi phục của nền kinh tế.Ước tính tăng trưởng lợi nhuận 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research là 13% trong 2022 và hầu hết tăng trưởng sẽ phản ánh vào nửa cuối năm.

Chỉ số đánh giá (P/E) của thị trường hiện tại ở mức thấp 15,4x. Dự báo P/E thị trường mục tiêu là 16x, tương ứng VN-Index có thể đạt 1.750 điểm trong năm 2022.

Mặc dù dòng tiền có thể luân chuyển giữa các lĩnh vực (sector rotation) trong 2022, nhưng SSI đưa ra top 3 ngành yêu thích là ngân hàng, bán lẻ và BĐS, trong đó top 5 cổ phiếu ưa thích là CTG, MWG, KDH, HAH, TNH. Top cổ phiếu trong danh sách theo dõi là STB, NTC, MSN, VCB, CTD, DGW, VHC, FPT, PLC, PNJ.

VNDIRECT Research cũng đưa ra khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu các ngành tương tự SSI. Cụ thể, các ngành được dự báo cải thiện mạnh mẽ về lợi nhuận bao gồm hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, bán lẻ và BĐS, dầu khí, tiện ích và công nghệ duy trì mức khả quan.