Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 748,97 điểm (tương đương 2,47%) lên 31.082,56 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 2,37% lên mức 3.752,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 2,31% lên 10.859,72 điểm.
Diễn biến tích cực của phiên 21/10 giúp nới rộng đà đi lên của các chỉ số chính trên sàn Phố Wall trong tuần qua. Tính chung trong tuần, S&P 500 và Dow Jones tăng lần lượt 4,7% và 4,9%, Nasdaq Composite vọt 5,2%. Đây là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2022 đối với cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm bất chấp việc lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tiếp tục leo lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và một số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III không như kỳ vọng.
Randy Frederick, Giám đốc điều hành giao dịch và phái sinh tại Schwab Center for Financial Research, nhận xét: “Tôi cho rằng vào cuối tuần trước, thị trường đã bị quá bán một chút về mặt kỹ thuật. Như chúng ta đã chứng kiến nhiều lần trong quá khứ, khi mọi chuyện đủ tiêu cực thì tình hình sẽ bật ngược lại”.
Tuy nhiên, chuyên gia Frederick thận trọng nói rằng đà phục hồi trong phiên ngày 21/10 chưa chắc chắn duy trì được sang tuần tới. “Nếu có diễn ra, tôi nghi ngờ sẽ không quá 1 hoặc 2 ngày” - ông Frederick nói thêm.
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong phiên ngày thứ Sáu, với cổ phiếu Goldman Sachs leo dốc 4,6% và cổ phiếu JPMorgan Chase vọt 5,3%.
Báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã hạn chế đà tăng trên sàn Phố Wall. Cổ phiếu American Express và Verizon lần lượt giảm 1,6% và 4,5%, sau khi công bố báo cáo lợi nhuận. Trong lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu công ty truyền thông xã hội Snap mất 28% sau khi báo cáo doanh thu quý III chỉ đạt 1,13 tỷ USD, thấp hơn so với kỳ vọng.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm từ đỉnh vào sáng 21/10 sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang lo ngại về việc chính sách tiền tệ bị thắt chặt quá mức. Các quan chức này muốn sớm giảm tốc độ tăng lãi suất và dừng hoàn toàn việc tăng lãi suất vào năm 2023 để có cơ hội đánh giá lại tác động của chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ đối với kinh tế trong năm 2022.
Các đợt nâng lãi suất quyết liệt của Fed là một yếu tố chính khiến chứng khoán Mỹ rơi vào “thị trường gấu” (thị trường đầu cơ giá xuống) trong năm nay. Các chuyên gia đầu tư dự báo nhiều khả năng Fed sẽ giảm nhiệp độ nâng lái suất trong năm tới.
Ông Barry Bannister - Giám đốc chiến lược cổ phiếu của công ty môi giới Stifel, nhận định: “Chúng ta rất cần Fed tạm nghỉ. Các quan chức không cần phải cam kết sẽ không tăng lãi suất nữa, thay vào đóchỉ cần nói rằng nếu các dữ liệu kinh tế ủng hộ thì sau nửa đầu năm 2023, chúng ta không cần nâng lãi suất nữa”.