Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/2 khi mối lo thuế quan và những số liệu kinh tế thiếu đồng nhất khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu.
Chốt phiên ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones sụt 444,23 điểm, tương đương 0,99%, về còn 44.303,4 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,95%, xuống còn 6.025,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 1,36%, còn 19.523,4 điểm. Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng ghi nhận sắc đỏ trong tuần này, với Dow Jones giảm 0,54%, S&P 500 trượt 0,24% và Nasdaq mất 0,53%.
Ngay từ đầu tuần, Phố Wall đã có một khởi đầu đầy ảm đạm sau khi Tổng thống Mỹ Trump công bố loạt thuế quan mới. Tuy nhiên, ông Trump đã đồng ý hoãn áp thuế với Mexico và Canada trong 30 ngày, điều này phần nào đã trấn an các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường Phố Wall chịu áp lực lớn trong phiên ngày thứ Sáu sau tuyên bố áp thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump, cũng như một loạt dữ liệu kinh tế gây thất vọng.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt lao dốc sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố ông có ý định áp thuế quan “có đi có lại” đối với các đối tác thương mại của Mỹ. Điều này có nghĩa là mức thuế quan của Mỹ sẽ tăng lên để cân bằng với mức thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ.
“Tôi sẽ công bố thuế quan đối ứng vào tuần tới, để chúng tôi được đối xử bình đẳng với các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ có một cuộc họp báo và đưa ra kế hoạch một cách tương đối đơn giản,” Tổng thống Trump nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm 7/2.
“Thị trường cổ phiếu chịu tác động ngay từ đầu phiên bởi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp kém khả quan, nhưng ngay sau đó, toàn bộ chú ý đã chuyển sang vấn đề thuế quan” - chiến lược gia trưởng Mark Hackett tại Nationwide nhận định.
Chỉ số biến động Cboe (VIX), còn được gọi là “thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, tăng 6,6% lên 16,3 điểm trong phiên giao dịch ngày 7/2.
“Sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy VIX vẫn ở mức cao cho đến khi nỗi lo về thuế quan được giải quyết,” ông Louis Navellier - Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tiền Navellier, lưu ý trong email gửi khách hàng.
Trước khi ông Trump đưa ra tuyên bố này, thị trường chứng khoán Mỹ đã chịu áp lực giảm điểm vì một số dữ liệu tiêu dùng và việc làm cho thấy khả năng tăng tốc của lạm phát và khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh, có lúc vượt 4,5%.
Theo số liệu sơ bộ về chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan, trong tháng 2, chỉ số này đã giảm xuống còn 67,8. Các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò kỳ vọng kết quả là 71,3.
Điều đáng lo ngại hơn là những người trả lời báo cáo kỳ vọng lạm phát trong 1 năm sẽ ở mức 4,3%, cao hơn tới 1 điểm % so với một tháng trước, đồng thời là kết quả cao nhất kể từ tháng 11/2023.
Cũng trong ngày 7/2, báo cáo việc làm tháng 1 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 4,1% xuống còn 4% và thu nhập trung bình theo giờ trong tháng cao hơn dự kiến. Theo báo cáo mới nhất, số lượng việc làm mới trong tháng 1 là 143.000 việc làm, thấp hơn dự báo của Dow Jones.
Đồng thời, hàng loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn cũng gây áp lực lên thị trường sau khi công bố báo cáo tài chính.
Cổ phiếu Amazon giảm 4% sau khi công bố triển vọng gây thất vọng cho nhà đầu tư. Công ty này kỳ vọng tăng trưởng doanh thu từ 5%-9% trong quý 1/2025, mức tăng trưởng yếu nhất trong lịch sử. Triển vọng này đã lấn át kết quả doanh thu và lợi nhuận quý 4/2024 vượt kỳ vọng. Cổ phiếu Alphabet tiếp tục giảm sau những kết quả có phần đáng thất vọng vào đầu tuần.
“Thị trường vừa gây thất vọng trong lĩnh vực công nghệ. Bởi vậy, chúng ta đang chứng kiến một vài sự dịch chuyển khỏi nhóm cổ phiếu này. Tôi không cho rằng chúng ta sẽ rơi vào trạng thái thị trường giá xuống, nhưng có thể sẽ đối mặt với một số thất vọng trong ngắn hạn,” Chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với đài CNBC.