Cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall cùng chuyển sắc xanh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, trong đó Nasdaq leo dốc gần 2,6% - mức cao nhất trong 3 tháng, còn Dow Jones tăng hơn 400 điểm.
Theo CNBC, chốt phiên ngày 3/8, chỉ số Dow Jones tăng 416,33 điểm (tương đương 1,29%) lên mức 32.812,50 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,56% lên 4.155,17 điểm, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2022 và xóa sạch mức giảm trong 2 phiên trước đó. Nasdaq Composite cũng tăng 2,59% lên mức 12,668.16 điểm, được thúc đẩy bởi đà tăng của các cổ phiếu công nghệ.
Đây là phiên tăng điểm đầu tiên của chứng khoán Mỹ trong tháng 8 sau hai phiên giảm liên tiếp. Thị trường Phố Wall trong hai phiên giao dịch đầu tuần này đối mặt áp lực giảm điểm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, liên quan tới chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan, bất chấp cảnh báo cứng rắn từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 3/8, nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua vào cổ phiếu trước loạt dữ liệu kinh tế tích cực. Số liệu công bố ngày 3/8 cho thấy hoạt động trong ngành dịch vụ của Mỹ bất ngờ hồi phục sau 3 tháng suy giảm liên tiếp và số đơn đặt hàng mà các nhà máy ở nước này nhận được tăng mạnh ngoài dự báo.
Theo dữ liệu của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), chỉ số PMI ngành dịch vụ của Mỹ trong tháng 7 bất ngờ tăng lên 56,7 điểm từ mức 55,3 điểm của tháng 6, trong bối cảnh đơn đặt hàng tăng trưởng mạnh, và áp lực giá giảm bớt.
Sự phục hồi bất ngờ của chỉ số PMI dịch vụ đã giúp nhà đầu tư rũ bỏ những lo ngại rằng Mỹ đã rơi vào suy thoái, đưa nhà đầu tư quay trở lại với nhóm cổ phiếu công nghệ.
Trong khi đó, một loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý II mới từ các công ty bao gồm PayPal và CVS Health Corp đã thúc đẩy tâm lý lạc quan đối với nhà đầu tư. Theo đó, cổ phiếu PayPal tăng vọt hơn 9% và CVS Health cộng hơn 3%, sau khi cả hai công bố kết quả kinh doanh cao hơn dự báo trong quý vừa qua và đều nâng dự báo lợi nhuận trong năm nay.
Những dữ liệu kinh tế tích cực này được xem là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đủ khả năng đối phó chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như xoa dịu mối lo trước đó của nhà đầu tư về một cuộc suy thoái có thể sắp xảy đến.
Ngày 3/8, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,81% sau khi giảm về mức 2,52% trong phiên trước đó.
Ngoài ra, quan điểm của Chủ tịch FED St.Louis James Bullard cũng giúp cải thiện tâm lý giới đầu tư. Phát biểu trên kênh CNBC hôm 3/8, ông Bullard nói rằng kinh tế Mỹ hiện không trong tình trạng suy thoái và quá trình tăng lãi suất của FED sẽ tiếp tục được tiến hành nhằm sớm kéo giảm lạm phát về ngưỡng mục tiêu.
“Như Chủ tịch FED Jerome Powell đã tuyên bố, hiện giờ chúng ta chưa suy thoái. Nhìn vào những tăng trưởng việc làm trong nửa đầu năm, khó có thể nói rằng nền kinh tế đang suy thoái,” người đứng đầu FED chi nhánh St. Louis nói.
Theo nghiên cứu của CNBC, dữ liệu liên quan đến việc làm trong 6 tháng đầu năm nay không giống với những gì thường xảy ra trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II vẫn tiếp diễn, giúp giới đầu tư thêm hy vọng về khả năng thị trường chứng khoán hồi phục và bắt đầu một thị trường giá lên mới, thay cho một đợt phục hồi ngắn trong giai đoạn “thị trường gấu” (thị trường đầu cơ giá xuống).
S&P 500 hiện nay đã cao hơn khoảng 14% so với mức đáy ghi nhận hồi cuối tháng 6, còn Nasdaq Composite đang ở mức cao nhất kể từ tháng 5.
Trong một diễn biến khác thu hút sự chú ý của giới đầu tư, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã rời Đài Loan sau chuyến thăm vấp phải sự chỉ trích mạnh của Trung Quốc và khiến thị trường tài chính toàn cầu rung lắc trong ngày 2/8.