Chứng khoán châu Á phủ sắc xanh
Thị trường chứng khoán châu Á bùng nổ, còn chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên ngày 9/12 khi giới đầu tư đổ tiền mua cổ phiếu trước thông tin tích cực về vaccine Covid-19 và kỳ vọng có thêm gói kích thích tài khóa của Mỹ.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản cũng nhích 0,51%. Ngay đầu phiên giao dịch ngày 9/12, chỉ số này đã nhảy vọt lên 646,10 điểm - mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số MSCI toàn cầu cũng lập mức tăng kỷ lục trong phiên này.
Các thị trường khác trong khu vực cũng ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc, trong đó chỉ số chứng khoán tại Australia tăng 0,69%. Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng leo dốc 1,01% - lập mức đỉnh trong hơn 29 năm. Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản hưng phấn hơn sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy chi tiêu vốn đầu tư tăng trở lại.
Chỉ số chứng khoán của Trung Quốc cũng nhích 0,15%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc nhảy vọt 1,26%, gần chạm mức kỷ lục.
Chỉ số tương lai của S&P 500 tại thị trường châu Á cũng tăng 0,11% theo đà tăng mạnh của chứng khoán Mỹ nhờ thông tin lạc quan về vaccine và tiến triển mới liên quan đến đàm phán gói cứu trợ mới tại Mỹ.
Ngày 8/12, Anh đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên bắt đầu chiến dịch tiêm chủng rộng rãi vaccine của Pfizer-BioNTech. Trong khi đó, hãng Johnson & Johnson cho biết họ có thể thu được kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối đối với vaccine do họ phát triển trong tháng 1/2021, sớm hơn dự kiến.
Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm liên bang (FDA) cho biết loại vaccine của Pfizer-BioNTech và tạo ra cơ chế bảo vệ nhất định sau khi tiêm mũi đầu tiên. FDA cũng cho biết chưa phát hiện vấn đề an toàn nào với vaccine của Pfizer.
Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới
Chứng khoán Mỹ ngày 8/12 lập đỉnh lịch sử khi hãng dược phẩm Mỹ Pfizer bắt đầu triển khai vaccine ngừa Covid-19 tại Anh, giúp nhà đầu tư tăng kỳ vọng nền kinh tế sớm phục hồi nhanh chóng.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones tăng 104,09 điểm (tương đương 0,4%) lên 30.173,88 điểm. Chỉ số này đã lập mức cao kỷ lục trong phiên là 30.246,22 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,3% lên 3.702,25 điểm, ghi nhận lần đầu tiên S&P 500 khép phiên vượt mốc 3.700 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng nhích 0,5% lên 12.582,77 điểm. Cả 3 chỉ số này đều giảm điểm ở đầu phiên.
Dow Inc., Johnson & Johnson và 3M là những cổ phiếu có thành quả tốt nhất thuộc Dow Jones ghi cùng tăng hơn 1%. Lĩnh vực năng lượng dẫn đầu đà tăng của S&P 500, cộng hơn 1,5%.
Cổ phiếu Pfizer tăng vọt 3,2% và lập đỉnh trong 2 năm. BioNTech - công ty cùng tham gia phát triển vaccine với Pfizer, cũng chứng kiến cổ phiếu tăng 1,9%.
Chính phủ Anh đã đặt hàng đủ liều vaccine ngừa Covid-19 cho 20 triệu người dân. Cho đến nay, Anh là nước đầu tiên và duy nhất cấp phép cho vaccine Covid-19 của Pfizer.
Ông Matt Lloyd - Giám đốc chiến lược đầu tư công ty quản lý tài sản Advisors Asset Management nhận định: "Thông tin về vaccine là tín hiệu tích cực, không thể nhầm lẫn. Nhìn chung, nhà đầu tư trên thị trường tài sản rủi ro có lý do để lạc quan".
Vaccine của Pfizer-BioNTech được triển khai khi nhà đầu tư đang quan tâm đến các cuộc đàm phán về gói kích thích tài khóa bổ sung trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tiếp tục tăng cao.
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết ông muốn thông qua một dự luật viện trợ mà không có miễn trừ pháp lý cho các doanh nghiệp cũng như viện trợ cho chính quyền địa phương và các bang, 2 vấn đề quan trọng và gây tranh cãi cùng với những tấm séc hỗ trợ kích thích trực tiếp cho các cá nhân.
Tuy nhiên, ông McConnell nói thêm rằng cả hai bên đã tìm thấy sự đồng thuận trong một số lĩnh vực, bao gồm các khoản cho vay doanh nghiệp nhỏ của Chương trình Bảo vệ Tiền lương.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết chính phủ đề xuất gói viện trợ Covid-19 trị giá 916 tỷ USD trong nỗ lực đạt thỏa thuận lưỡng đảng. Giá trị gói đề xuất của chính phủ cao hơn một chút so với mức 908 tỷ USD mà một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đưa ra hôm 1/12.
Các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ngày 7/12 nói rằng Quốc hội đang cố gắng gia hạn tài trợ của Chính phủ thêm một tuần nữa để cố đạt được một thỏa thuận viện trợ kinh tế mới.
Những lời kêu gọi về một dự luật viện trợ mới cần được thúc đẩy thông qua trước cuối năm nay đã ngày càng tăng gần đây khi tăng trưởng việc làm tại Mỹ tiếp tục chậm lại về số ca nhiễm Covid-19 tăng cao.
Mỹ hiện ghi nhận hơn 15 triệu ca nhiễm Covid-19, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày, mức bình quân trong 7 ngày, cũng ghi nhận mức cao kỷ lục./.