Chứng khoán Mỹ chốt tuần giao dịch khởi sắc, S&P 500 leo dốc gần 3%

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù giảm trong phiên giao dịch ngày 22/7, cả ba chỉ số chính đều đi lên trong tuần này với Dow Jones tăng gần 2%, S&P 500 khoảng 2,6% và Nasdaq là 3,3%. 

Mặc dù giảm trong phiên giao dịch 22/7, song S&P 500 tăng khoảng 2,6% trong tuần qua. Ảnh: CNBC
Mặc dù giảm trong phiên giao dịch 22/7, song S&P 500 tăng khoảng 2,6% trong tuần qua. Ảnh: CNBC

Chỉ số S&P 500 sụt gần 1% vào ngày thứ Sáu (22/7), nhưng vẫn tăng trong tuần qua, khi nhà đầu tư tiếp nhận kết quả lợi nhuận đáng thất vọng từ Snap khiến cổ phiếu công ty mạng xã hội này lao đao.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 22/7, chỉ số Dow Jones giảm 137,61 điểm (tương đương 0,43%) xuống còn 31.899,29 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,93% về mức 3.961,63 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 1,87% còn 11.834,11 điểm.

Tuy giảm điểm trong phiên cuối tuần, cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc, với chỉ số Dow Jones nhích gần 2%, S&P 500 cộng khoảng 2,6% và Nasdaq tăng 3,3%. 

Giá cổ phiếu của Snap lao dốc 39,1% sau khi công ty này không thể hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, tác động tiêu cực lên chỉ số Nasdaq nói riêng và tâm lý thị trường nói chung. 

“Snap đã cản đà phục hồi của chỉ số Nasdaq trong tuần qua do kết quả kinh doanh đáng thất vọng, tạo tác động tiêu cực lan tỏa tới cả chỉ số S&P," chuyên gia đầu tư Sam Stovall tại CFRA Research nhận định. 

“Đây là ví dụ điển hình cho sự biến động mạnh của thị trường mà nhà đầu tư cần lường trước trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Thị trường sẽ đi lên hoặc xuống tùy thuộc vào kết quả khả quan hay tiêu cực của các doanh nghiệp” – chuyên gia Stovall lưu ý thêm.

Báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý của Snap cũng gây áp lực đến các cổ phiếu công nghệ và truyền thông xã hội khác, những cổ phiếu mà nhà đầu tư lo ngại có thể phải đối mặt với việc doanh số quảng cáo trực tuyến suy giảm.

Cổ phiếu Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) và Pinterest lần lượt sụt 7,6% và 13.5%, còn cổ phiếu Alphabet mất 5,6%.

Trong khi đó, cổ phiếu Twitter cộng 0,.8% bất chấp kết quả kinh doanh quý 2/2022 gây thất vọng với lợi nhuận, doanh thu và tăng trưởng người dùng không đạt kỳ vọng.

Verizon là cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc Dow Jones sau báo cáo lợi nhuận. Cổ phiếu Verizon sụt 6,7% sau khi hạ dự báo cả năm, khi lạm phát tăng cao làm giảm tốc độ tăng trưởng thuê bao điện thoại.

Tính tới ngày 22/7, có khoảng 21% doanh nghiệp trong nhóm S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh. Trong đó, 70% doanh nghiệp vượt dự báo doanh thu, lợi nhuận của giới chuyên gia, theo FactSet. 

Trong khi đó, quan ngại về sức khỏe nền kinh tế số một thế giới cùng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư sau khi một số dữ liệu kinh tế được công bố. 

Chỉ số Quản trị thu mua (PMI) sơ bộ (bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) của Mỹ giảm xuống ngưỡng 47,5 điểm, cho thấy sản lượng kinh tế đang giảm dần. Đó cũng là mức thấp nhất của chỉ số này trong hơn 2 năm.

Báo cáo sơ bộ chỉ số PMI được công bố chỉ một ngày sau khi Mỹ ghi nhận tình trạng số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tình trạng thực tại của thị trường lao động. 

Hiện tại, chứng khoán Mỹ vẫn đang trong xu hướng tăng điểm sau khi nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý II vượt dự báo dù đối mặt với tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, chỉ số S&P 500 có thời điểm chạm mốc 4.000 điểm, lần đầu tiên kể từ ngày 9/6. 

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư thận trọng khi nói rằng đà giảm của thị trường có thể chưa hoàn toàn chấm dứt.

“Kể từ sau Thế chiến II đến nay, gần 2/3 số phiên mà S&P 500 tăng từ 2,76% trở lên xảy ra trong giai đoạn “thị trường gấu” – thị trường đầu cơ giá xuống, 71% diễn ra trước khi thị trường chạm đáy” – chuyên gia Sam Stovall của CFRA cho hay.

Ông Stovall nhận định rằng chỉ số S&P 500 có thể hồi phục lên mức 4.200 điểm rồi quay đầu giảm xuống mức đáy quanh 3.700 điểm của tháng 6 vừa qua.