Chứng khoán Mỹ đã trải qua tuần tồi tệ nhất trong hơn một năm qua, với bối cảnh dữ liệu kinh tế không khả quan cùng bình luận thận trọng từ các ngân hàng trung ương đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng suy thoái kinh tế.
Chỉ số tiêu chuẩn S&P 500 của Phố Wall đã giảm 1,7% hôm 6/9, đưa mức giảm trong tuần lên 4,2% — tỷ lệ giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3 năm 2023.
Các cổ phiếu công nghệ lớn bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, trong khi chỉ số Nasdaq Composite do giới công nghệ thống trị đã có mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 1/2022 vào khoảng 5,8%, bao gồm mức giảm 2,6% hôm 6/9.
Các quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm tăng thêm tâm lý thận trọng với những bình luận để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất nửa điểm. Thống đốc Fed Christopher Waller và John Williams, chủ tịch Fed New York, đã tán thành một loạt các đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay do lạm phát giảm và thị trường lao động suy yếu.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi tháng trước cho biết, ông tập trung vào rủi ro của thị trường lao động suy yếu hơn, đồng thời cảnh báo rằng thời điểm và tốc độ cắt giảm lãi suất phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế.
Thị trường chứng khoán ở châu Âu cũng biến động sau báo cáo việc làm. Stoxx Europe 600 đóng cửa giảm 1,1%, cũng như Cac 40 ở Paris. FTSE 100 ở London giảm 0,7% và Dax ở Đức đóng cửa giảm 1,5%.
Topix của Nhật Bản đóng cửa giảm 0,9% hôm 6/9, trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 0,8%.
Giá dầu thô tương lai đã từ bỏ mức tăng ban đầu để đạt mức thấp nhất trong năm, ngay cả sau khi các thành viên OPEC+ đã nhất trí hôm 5/9 sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong ít nhất hai tháng. Trong khi đó, giá dầu Brent đã giảm 2,5% xuống còn 70,90 USD và WTI giảm 2,6% xuống còn 67,37 USD/thùng.