Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ đỏ lửa, Nasdaq có tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 21/1, chỉ số Nasdaq Composite mất điểm nhiều nhất và chứng kiến tuần giao dịch tệ nhất từ tháng 10/2020 khi nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

Khép phiên giao dịch ngày 21/1, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp, do nhà đầu tư lo lắng trước triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất và ảnh hưởng tới định giá thị trường.

Chỉ số Nasdaq Composite lao dốc mạnh nhất trên sàn Phố Wall và khép lại tuần tồi tệ nhất từ năm 2020 khi nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo trong phiên cuối tuần.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 21/1.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 21/1.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, Nasdaq Composite mất 385,10 điểm, tương đương 2,7%, xuống mức 13.768,92 điểm. Chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 450,02 điểm, về mức 34.265,37 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng sụt 1,9% xuống còn 4.397,94 điểm.

Tính chung cả tuần qua, Nasdaq lao dốc 7,6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất từ tháng 10/2020, và hiện chỉ số này đã giảm hơn 14% so với mức kỷ lục thiết lập vào tháng 11/2021.

Cả Dow Jones và S&P 500 cũng khép lại tuần lao dốc thứ ba liên tiếp với mức giảm lần lượt 4,6% và 5,7%, đồng thời cũng là những tuần điều chỉnh mạnh nhất của hai chỉ số này kể từ năm 2020. Hiện S&P 500 đã giảm 8,3% so với mức đỉnh xác lập đầu tháng 1/2022 và đóng cửa dưới đường trung bình động 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020.

Kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Netflix đã gây áp lực lớn đối với các nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu Netflix sụt tới 21,8% sau khi công ty thông báo tốc độ tăng trưởng người đăng ký chậm lại trong quý IV/2021. Giá cổ phiếu của đối thủ cạnh tranh với Netflix là Disney – một thành viên của chỉ số Dow Jones – cũng giảm 6,9%.

Netflix là tập đoàn công nghệ lớn đầu tiên công bố kết quả kinh doanh trong mùa báo cáo quý cuối cùng năm 2021. Apple và Tesla dự định sẽ thông báo vào tuần sau. Trong phiên ngày 21/1, cổ phiếu Tesla sụt 5,3%, các “ông lớn” công nghệ khác như Amazon và Meta Platforms giảm tương ứng 6% và 4,2%, Apple cũng sụt 1,3%.

Đà rớt giá của các cổ phiếu trong nhóm tăng trưởng cũng đẩy Nasdaq Composite lún sâu hơn vào phạm vi điều chỉnh khi lãi suất cao hơn có thể gia tăng sức ép đối với các cổ phiếu công nghệ vốn được định giá “cao ngất ngưởng”.

Trong 14 phiên giao dịch đầu năm 2022, Nasdaq đã mất 12%, kết quả tiêu cực nhất kể từ năm 2008. Sức ép lớn nhất đối với Nasdaq Composite chính là sự tăng vọt của lợi suất trái phiếu Chính phủ trong tuần này.

Nhà đầu tư đang chờ đợi  lịch trình nâng lãi suất cũng như chính sách tiền tệ của FED tại cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương bắt đầu từ ngày 25/1 tới.

FED dự kiến sẽ nâng lãi suất ba lần trong năm nay để kiềm chế lạm phát nhưng thị trường tài chính đang cho rằng ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ phải hành động 4 lần, thậm chí nhiều hơn.

Chiến lược gia thị trường toàn cầu Scott Wren tại Viện đầu tư Wells Fargo nhận định: “Chúng tôi tin rằng đợt tăng lãi suất sắp tới của FEF sẽ không làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới”. Tuy nhiên, ông Wren lưu ý rằng việc tăng lãi suất sẽ tạo ra sự bất ổn cho thị trường.

Lực bán tháo tăng mạnh ở cuối phiên giao dịch và cũng là xu hướng chung từ đầu năm đến nay. Theo số liệu của Bespoke Investment Group, chỉ số S&P 500 đã giảm 0,16% vào giờ giao dịch cuối trong tháng 1.

 

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng bị ảnh hưởng mạnh trong tuần qua. Chỉ số Russell 2000 sụt 1,8% và khép lại tuần giảm điểm mạnh nhất từ tháng 6/2020.