Chứng khoán Mỹ đối mặt nỗi lo suy thoái, S&P 500 lao dốc liền 3 tuần

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù phục hồi sắc xanh trong ngày 23/12, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn ghi nhận tuần giảm điểm khi lo ngại về suy thoái trong năm 2023 tiếp tục ám ảnh nhà đầu tư.

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn ghi nhận tuần giảm điểm mặc dù phục hồi ở phiên cuối tuần. Ảnh: Reuters
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn ghi nhận tuần giảm điểm mặc dù phục hồi ở phiên cuối tuần. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 cộng 0,6% lên mức 3.844,82 điểm, chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,2% lên 10.497,86 điểm, còn Dow Jones tăng 176,44 điểm (tương đương 0,5%) lên 33.203,93 điểm.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall biến động vào đầu phiên sau khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (core PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tăng nóng hơn một chút so với dự báo, cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng bất chấp những nỗ lực kiềm chế của Fed.

Theo thông báo của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), chỉ số giá chi dùng cá nhân lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) tháng 11 tăng 0,2% so với tháng liền trước và 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ngang với mức dự báo của các nhà kinh tế mà FactSet khảo sát. Trước đó, vào tháng 10, chỉ số này tăng 5% so với cùng kỳ 2021.

Ông Louis Navellier, Nhà sáng lập và Giám đốc đầu tư của Công ty đầu tư tăng trưởng Navellier & Associates, nhận định: “Các số liệu kinh tế được công bố ngày hôm nay đã cho thấy những khó khăn của giới đầu tư cổ phiếu: Thống kê kinh tế suy yếu sẽ gây ra quan ngại về suy thoái, còn số liệu kinh tế mạnh mẽ lại dẫn tới lo sợ Fed nâng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát”.

Tính chung trong tuần qua, chỉ số S&P 500 sụt khoảng 0,2% và Nasdaq Composite mất 1,9%, cùng ghi nhận tuần đi xuống thứ ba liên tiếp. Dow Jones khả quan hơn khi phục hồi 0,9% sau hai tuần lao dốc liền nhau.

Lo ngại về suy thoái trỗi dậy trong những tuần gần đây, dập tắt hy vọng của một số nhà đầu tư về một đợt hồi phục cuối năm. Thị trường Phố Wall gia tăng quan ngại rằng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang thắt chặt tiền tệ quá mức và khiến kinh tế giảm tốc.

Từ đầu tháng 12 đến nay, S&P 500 mất 5,8%, còn Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt giảm hơn 4% và 8,5%. Đây là mức giảm trong tháng lớn nhất đối với các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ kể từ tháng 9/2022.

Chứng khoán Mỹ cũng đang trên đà chứng kiến năm giao dịch tệ nhất kể từ 2008 khi Fed thực hiện chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ để chống lạm phát.

Chuyên gia Paul Kim, giám đốc điều hành của Simplify ETFs ở New York đánh giá: “Năm 2022 là một năm đầy khó khăn với thị trường Phố Wall khi cả trái phiếu và cổ phiếu cùng bị bán tháo. Nhà đầu tư không tìm được nơi trú ẩn an toàn”.

Các chuyên gia cho rằng lạm phát có thể chưa hoàn toàn được kiểm soát trong dài hạn mặc dù chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã được cải thiện.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan trong tháng 12 đạt mức 59,7 điểm, cao hơn dự báo của Dow Jones là 59,1 điểm và tăng từ 56,8 điểm trong tháng 11.

Giám đốc Khảo sát người tiêu dùng Joanne Hsu lưu ý rằng lạm phát trong tháng 12 này được dự báo sẽ hạ nhiệt khi giảm từ mức tăng 4,9% trong tháng 11 xuống còn 4,4%. Tuy nhiên, chuyên gia Hsu cho biết lạm phát được dự báo vẫn ở mức cao.

Trong khi lạm phát vẫn chưa được kiểm soát, nhà đầu tư Phố Wall đang chuyển sự chú ý vào nguy cơ suy thoái kinh tế năm 2023 – hậu quả tiềm tàng từ chính sách tăng lãi suất của Fed.

Theo Reuters, trong một cuộc khảo sát của BofA Global Research, các nhà quản lý quỹ đã gọi suy thoái kinh tế toàn cầu và tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng là rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán và 68% nhà quản lý dự báo suy thoái sẽ xảy ra trong năm tới.

Dữ liệu lịch sử cho thấy nếu một cuộc suy thoái bắt đầu vào năm tới, chứng khoán có thể rơi vào một đợt xuống giá khác.