Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ lại lao dốc vì Fed, Dow Jones mất hơn 100 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ phủ kín sắc đỏ trong phiên ngày 5/7, sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Fed được công bố, củng cố kỳ vọng của thị trường về một đợt tăng lãi suất khác vào cuối tháng 7.

Chỉ số Dow Jones sụt hơn 100 điểm  trong ngày 5/7. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones sụt hơn 100 điểm  trong ngày 5/7. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones sụt 129,83 điểm (tương đương 0,38%) về mức 34.288,64 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,2% xuống còn 4.446,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0,18% về  13.791,65 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều kết thúc chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.

Biên bản cuộc họp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng 6 cho thấy phần lớn các thành viên của  Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đều nhất trí cần phải tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để chống lạm phát.

Theo biên bản mới được công bố, các quan chức của Fed đã nhất trí không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 để đánh giá chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian qua đã tác động thế nào đến nền kinh tế cũng như tình hình lạm phát.

Biên bản của Fed nêu rõ: “Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều trở ngại khi các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, bao gồm việc lãi suất tăng cao... Điều này có thể đè nặng lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát, dù mức độ của những tác động này chưa được xác định rõ”.

Kể từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, đánh dấu chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980. Hiện tại, lãi suất chuẩn đang nằm trong phạm vi 5 - 5,25%, cao nhất kể từ tháng 8/2007.

Fed nhất trí không tăng lãi suất sau khi “đã xem xét sự thắt chặt của chính sách tiền tệ trong thời gian qua và tác động có độ trễ của chính sách lên hoạt động kinh tế và lạm phát”.

Kể từ sau cuộc họp tháng 6, các nhà hoạch định chính sách đều tuyên bố rằng không muốn nhượng bộ quá sớm trong cuộc chiến chống lạm phát.  Việc Fed tiếp tục đưa ra những tuyên bố, thông điệp mạnh mẽ về chính sách tiền tệ trong thời gian tới đã khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn rất nhiều.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch tên thị trường lãi suất tương lai cuối ngày 5/7 đặt cược khả năng 89% Fed nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 7. Trong khi đó, tỷ lệ lựa chọn khả năng cơ quan này giữ nguyên lãi suất chỉ là khoảng 11%.

Ông Greg Bassuk, CEO của AXS Investments, nói với CNBC: “Chắc chắn chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ tiếp tục tác động đến suy nghĩ của nhà đầu tư về quỹ đạo thị trường và nền kinh tế nửa cuối năm nay”.

Theo vị chuyên gia này, việc Fed tiếp tục đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về kế hoạch trong những tháng tới đã khiến các nhà đầu tư trên sàn Phố Wall trở nên thận trọng hơn rất nhiều. 

Các thị trường đóng cửa sớm vào ngày 3/7 và tạm ngưng hoạt động vào 4/7 do nghỉ Lễ Quốc khánh Mỹ. Vào tuần trước, Nasdaq Composite đã khép lại nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 1983. Chỉ số S&P 500 cũng ghi nhận nửa đầu năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2019, khi sự quan tâm đến trí tuệ nhân tạo tăng vọt đã thúc đẩy sự lạc quan của nhà đầu tư đối với cổ phiếu. Dow Jones tăng khoảng 3,8% trong 6 tháng đầu năm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lơn đã dẫn đầu thị trường trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, chuyên gia Savita Subramanian, Giám đốc cấp cao của Bank of America, kỳ vọng những cái tên khác sẽ tham gia vào đợt phục hồi trong 6 tháng cuối năm.

Dữ liệu được công bố trong ngày 5/7 cho thấy số đơn đặt hàng công nghiệp tại Mỹ tăng thấp hơn dự kiến trong tháng 5.

Nhiều dữ liệu kinh tế hơn, bao gồm báo cáo việc làm và tiền lương tháng 6 của Mỹ, sẽ được công bố vào cuối tuần này có thể giúp xác định quỹ đạo lãi suất của Fed.

"Nếu chúng ta tiếp tục chứng kiến lạm phát hạ nhiệt, có thể sẽ không có thêm bất kỳ đợt tăng lãi suất nào nữa, nhưng không có gì được tiết lộ trong biên bản của Fed" - Michael James, Giám đốc điều hành giao dịch tại Wedbush Securities, cho biết.