Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ lại rung lắc vì Fed, Dow Jones “bay” gần 500 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên ngày 5/12 vì lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho tới khi đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh phiên ngày 5/12. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh phiên ngày 5/12. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Dow Jones rớt 482,78 điểm, tương đương 1,4%, xuống còn 33.947,10 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,79% về mức 3.998,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng sụt 1,93% xuống 11.239,94 điểm.

Cổ phiếu Tesla giảm 6,4% sau khi có thông tin hãng xe điện này phải cắt giảm sản lượng tại nhà máy ở Thượng Hải, Trung Quốc. Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn cũng giảm mạnh do lo ngại kinh tế giảm tốc, như Amazon sụt 3,3% và Netflix hạ 2,4%.

Báo cáo lĩnh vực dịch vụ tháng 11 của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho thấy nhiều lĩnh vực tăng trưởng khả quan hơn dự báo, ngay lập tức dấy lên lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, từ đó gây lo ngại khiến giá cổ phiếu giảm.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đi lên với lợi suất của kỳ hạn 10 năm đạt gần 3,59% vào cuối phiên.

Ông Peter Essele, Phó chủ tịch quản lý đầu tư và nghiên cứu của Commonwealth Financial Network, nhận xét: “Rõ ràng, thị trường chứng khoán muốn tăng điểm, nhưng khả năng đó phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu lạm phát có được kiểm soát hay không. Vì vậy, mỗi khi xuất hiện bất kỳ dữ liệu kinh tế nào tốt hơn dự báo, nhà đầu tư lại quan ngại áp lực lạm phát”.

Sau bài phát biểu vào tuần trước của Chủ tịch Fed Jerome Powell, thị trường Phố Wall đã kỳ vọng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất ở mức 0,5%, thay vì tiếp tục áp dụng bước nhảy 0,75% như 4 cuộc họp liên tiếp vừa rồi. Tuy nhiên, ông Powell lưu ý thêm rằng lãi suất cực đại của chu kỳ tăng này có thể “sẽ phải cao hơn một chút” so với dự tính trong cuộc họp tháng 9. Điều đó đồng nghĩa với việc lãi suất của Fed có thể sẽ phải tăng lên mức hơn 5%, từ mức 3,75-4% hiện nay.

Hồi cuối tuần trước, báo cáo việc làm phi nông nghiệp do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố cũng có nhiều thông tin tích cực hơn dự báo. Việc thị trường việc làm và lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng tốt sẽ cho Fed thêm dư địa để thắt chặt tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát.

Tính đến tuần trước, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận 2 tuần tăng liên tiếp nhờ kỳ vọng rằng Fed sẽ chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn. Nhưng giờ đây, xu thế phục hồi trên sàn Phố Wall đang chịu áp lực khi những dữ liệu kinh tế khả quan xuất hiện.

Giới đầu tư Phố Wall đang đặt cược khả năng 89% Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 % trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới, và lãi suất cực dại của chu kỳ tăng này sẽ là 4,984% vào tháng 5/2023.

Các chuyên gia của ngân hàng UBS nói rằng Fed khó có khả năng đạt mục tiêu "hạ cánh mềm" (xu thế giảm tốc theo chu kì để tránh suy thoái) nền kinh tế trong cuộc chiến chống lạm phát. UBS dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ nhích nhẹ trong năm nay và sẽ giảm khoảng 1% vào năm 2024. “Hiện những tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế chưa được thể hiện một cách rõ rệt. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng chính sách tài khóa vẫn là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2023”- các chuyên gia UBS cho hay.

Theo UBS, Fed có thể sẽ tạm dừng tăng lãi suất sau khi thực hiện 2 đợt điều chỉnh với mức tăng 0,5% trong cả tháng 12/2022 và tháng 2/2023.