Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh do dữ liệu sản xuất thấp nhất 1 thập kỷ

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ đã thu hẹp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009.

Chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ trong ngày 1/10, phiên giao dịch đầu tiên của quý IV, khi dữ liệu sản xuất đáng thất vọng đã làm tăng lo ngại về nền kinh tế Mỹ.
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trong phiên 1/10.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall quay đầu lao dốc trong phiên giao dịch ngày 1/10 sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động của nhà máy ở Mỹ đã giảm trong tháng 9 xuống mức yếu nhất trong hơn một thập kỷ, gia tăng lo ngại về ảnh hưởng từ thương chiến với Trung Quốc đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), chỉ số sản xuất PMI (đo lường sức mua) của Mỹ bất ngờ giảm xuống chỉ còn 47,8 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 50 điểm - ngưỡng đánh dấu sự suy giảm sức sản xuất của một nền kinh tế.
Nhóm cổ phiếu sản xuất như Honeywell, 3M và Eaton giảm mạnh ngay sau khi dữ liệu được công bố, với mỗi cổ phiếu đều hạ ít nhất 2,8%.
Chủ tịch ISM Timothy Fiore đã chỉ ra thương mại đang gây sức ép lên sản xuất trong một tuyên bố.
Christian Fromhertz, CEO của The Tribeca Trade Group, nhận định: “Cuộc chiến thương mại đã đóng băng mọi thứ. Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài sẽ gây thêm càng nhiều thiệt hại”.
Các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc dữ kiến có cuộc gặp vào tuần tới ở Washington để thảo luận về một thỏa thuận thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế trả đũa trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa của nhau.
Tuy nhiên, tâm lý xung quanh vòng đàm phán sắp tới đã được cải thiện gần đây. Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Nhà Trắng “không dự tính ngăn chặn các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ vào thời điểm này”.
“Trong lịch sử, quý IV thường có xu hướng là một trong những giai đoạn tốt nhất cho thị trường chứng khoán”- chiến lược gia thị trường Keith Lerner tại SunTrust Private Wealth lưu ý.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã đảo chiều so với đà tăng hồi đầu phiên khi nhà đầu tư rút khỏi thị trường cổ phiếu để chuyển sang các trái phiếu Mỹ truyền thống an toàn hơn.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1,64% sau khi tăng lên 1,75%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm từ mức 1,68% xuống 1,54%. Lợi suất trái phiếu trên thế giới ban đầu tăng sau khi động thái bán đấu giá trái phiếu của Nhật Bản cho thấy nhu cầu suy yếu.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/10, chỉ số Dow Jones rớt 343,79 điểm (tương đương 1,3%) xuống 26.573.04 điểm sau khi tăng hơn 100 điểm hồi đầu phiên. Chỉ số S&P 500 sụt 1,2% còn 2.940,25 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 1,1% xuống 7.908,68 điểm.
Phiên giao dịch này đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 23/8/2019, khi 2 chỉ số này đồng loạt giảm hơn 2%./.