Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư rũ bỏ lo ngại về Omicron, Dow Jones leo dốc hơn 600 điểm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ thăng hoa phiên ngày 7/12 khi nhà đầu tư ồ ạt gom hàng nhờ nỗi lo ngại về biến thể Omicron lắng dịu.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, với chỉ số Dow Jones phục hồi gần 650 điểm khi giới đầu tư không còn quá lo lắng về mối đe dọa của biến thể Omircon.
 Chỉ số Dow Jones phục hồi gần 650 điểm khi chốt phiên giao dịch ngày 6/12.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/12, chỉ số Dow Jones nhảy vọt 646,95 điểm, tương đương 1,8%, lên mức 35.227,03 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1% , đạt ngưỡng 4.591,67 điểm. Tronlg khi đó, chỉ số Nasdaq Composite thoát  khỏi vùng tiêu cực và khép phiên tăng 0,9% lên 15.225,15 điểm. Cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều lao dốc trong tuần trước, khi nhà đầu tư lo ngại về biến thể Omicron và sự dịch chuyển lập trường sang cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Mức tăng mạnh nhất trong phiên giao dịch này thuộc về các cổ phiếu vốn phụ thuộc vào việc mở cửa lại kinh tế, qua đó thúc đẩy tâm lý đối với Dow Jones. Cổ phiếu General Electric và Boeing đều nhảy vọt hơn 3%. Cổ phiếu Chevron cộng 1,5%, còn cổ phiếu Caterpillar nhích 1,7%.
Cổ phiếu ngành du lịch và khách sạn tăng mạnh mẽ nhất. United Airlines tăng 8,3% và American Airlines leo dốc 7,8%. Royal Caribbean và Carival Cruise Lines cùng tăng hơn 8%. Wynn Resorts cũng cộng 6%, Marriott và Hilton tăng hơn 4%. Experdia nhích 6,7% và Booking Holdings tăng 5,3%.
Phiên giao dịch bùng nổ trên sàn Phố Wall diễn ra sau nhận định của Cố vấn Y tế của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, nói rằng dữ liệu ban đầu về biến thể Omicron là “đáng khích lệ”.
Trước đó, hôm 5/12, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết biến thể Omicron đã  được phát hiện tại ít nhất 15 bang, chưa đầy 2 tuần sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại biến thể mới này vào nhóm “đáng lo ngại”.
“Dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về biến thể Omicron, song đến nay các dữ liệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của Omicron dường như không cao” - Cố vấn Fauci cho hay.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, mặc dù phục hồi nhưng mức tăng của chỉ số  Nasdaq Composite vẫn thấp hơn các chỉ số khác do chịu áp lực bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và y tế. Cổ phiếu hãng dược phẩm Moderna sụt 13,4%, giảm mạnh nhất trong số các cổ phiếu thuộc Nasdaq Composite. Cổ phiếu AMD và Nvidia lần lượt giảm 3,4% và 2,1%.
Tuy nhiên, khi những lo ngại của nhà đầu tư về biến thể Omicron dịu bớt, một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa cao bắt đầu chuyển từ sắc đỏ sang xanh.
Chuyên gia phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc Oanda nói rằng nhà đầu tư cần thận trọng cho tới khi có thêm dữ liệu về biến thể Omicron. “Các báo cáo ban đầu cho thấy độc dược của biến thể Omicron không quá nghiêm trọng. Điều này thúc đẩy nhà đầu tư đổ tiền vào tài sản rủi ro. Nhưng hiện vẫn còn quá sớm để gạt bỏ hoàn toàn lo ngại về biến thể mới này”, chuyên gia Erlam nhận xét.
Theo ông Erlam, thị trường trong tuần này sẽ tiếp tục biến động như trong tuần trước.“Thị trường khởi sắc trong phiên giao dịch hôm nay nhờ thông tin tích cực đầu tiên về biến thể Omicron, song cũng có khả năng mọi chuyện không đi theo chiều hướng đó”, ông Erlam lưu ý.
Ngoài thông tin liên quan đến biến thể Omciron, yếu tố khác cũng tác động đến sàn Phố Wall ở thời điểm này là FED sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ như thế nào.
Chứng khoán Mỹ đã biến động mạnh vào tuần trước do lo ngại về sự lây lan của biến thể  Omicron và việc sớm thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).  Chủ tịch FED Jerome Powell đã phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng tốc việc siết chặt chính sách nới lỏng tiền tệ để giải quyết lạm phát gia tăng.
Cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2021 của FED sẽ diễn ra vào giữa tháng 12 này. Giới phân tích tin rằng không lâu sau khi thu hẹp chương trình mua tài sản với quy mô 120 tỷ USD mỗi tháng, FED sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại.
Chuyên gia Steve Liesman của CNBC cho rằng FED có thể quyết định tăng gấp đôi tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản lên 30 tỷ USD mỗi tháng trong cuộc họp chính sách vào tuần tới./.