Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư tháo chạy vì lạm phát tăng kỷ lục, Dow Jones “bay” hơn 200 điểm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong phiên ngày 10/11 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trước lo ngại về lạm phát tăng cao.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall nhuộm sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm, khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt.
 Dow Jones giảm 240 điểm sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy dữ liệu lạm phát trong tháng 10 tăng cao nhất kể từ năm 1990.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones rớt 240,04 điểm, tương đương 0,7%, xuống còn 36.079,94 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,8% về mức 4.646,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm gần 1,7% còn 15.622,71 điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn có xu hướng giảm trong những tuần gần đây, đã tăng 11 điểm cơ bản vào ngày thứ Tư sau dữ liệu về CPI. Một phiên đấu thầu ảm đạm trái phiếu kỳ hạn 30 năm trong chiều ngày 10/11 cũng khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt.
Khi lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng, nhà đầu tư đẩy mạnh việc bán nhóm cổ phiếu công nghệ và mua vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Giới đầu tư cũng chuyển sang kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Bà Liz Ann Sonders - nhà đầu tư chiến lược tại công ty Charles Schwab nhận xét: "Báo cáo CPI ngày hôm nay đã tác động tiêu cực đến thị trường Phố Wall. Ở một mức độ nào đó, thị trường cổ phiếu sẽ biến động theo tín hiệu từ thị trường trái phiếu".
Chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo 5,9% của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát. Đây cũng là tỷ lệ lạm phát theo năm cao nhất kể từ 1990. Chỉ số này cũng tăng 0,9% so với tháng trước đó và cao hơn so với ước tính 0,6% của các nhà kinh tế.
Bà Nancy Davis, nhà sáng lập công ty quản lý quỹ Quadratic Capital Management cho biết: "Số liệu CPI công bố ngày thứ Tư cho thấy mức lạm phát tăng cao hơn nhiều mức mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang (FED), chủ yếu do các vấn đề về chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động. Nếu lạm phát tiếp tục duy trì đà tăng, FED  sẽ phải đẩy nhanh tốc độ giảm nguồn cung tiền mặt ra thị trường và tăng lãi suất, điều này ảnh hướng đến thị trường cổ phiếu cũng như trái phiếu".
Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu áp lực trong phiên ngày thứ Tư khi lãi suất tăng làm giảm giá trị lợi nhuận trong tương lai, do đó có thể tác động nhiều đến các cổ phiếu tăng trưởng. Cổ phiếu Advanced Micro Devices lao dốc 6,1%, cổ phiếu Nvidia sụt 3,9% và cổ phiếu Alphabet giảm 2%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhận được lực đẩy từ đà tăng của lợi suất trái phiếu, nhờ đó hạn chế đà giảm điểm trên sàn Phố Wall. Lãi suất cao hơn có nghĩa là các ngân hàng tính lãi cao hơn cho các khoản vay, điều này cũng giúp tăng thêm lợi nhuận. Cổ phiếu Bank of America tăng gần 0,8%, còn cổ phiếu Wells Fargo cộng 0,9%.
Giới đầu tư cũng tìm kiếm những kênh đầu tư khác ngoài cổ phiếu và trái phiếu để phòng ngừa lạm phát. Vàng và đồng Bitcoin tăng khi nhà đầu tư chuyển hướng lựa chọn các tài sản có thể giữ giá tốt hơn khi lạm phát tăng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần