Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ sau cảnh báo ảm đạm của ngành bán lẻ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên ngày 16/11, khi dự báo ảm đạm từ tập đoàn Target làm dấy lên những lo ngại mới về việc các nhà bán lẻ sẽ gặp khó trong mùa mua sắm cuối năm.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt mất điểm trong phiên ngày 16/11. Ảnh: AP
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt mất điểm trong phiên ngày 16/11. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 mất 0,83% xuống còn 3.958,79 điểm, chỉ số Nasdaq Composite sụt 1,54% còn 11.183,66 điểm. Chỉ số Dow Jones gần như đi ngang trong hầu hết các phiên giao dịch và đóng cửa mất 39,09 điểm (tương đương 0,12%) xuống 33.553,83 điểm.

Cổ phiếu Target lao dốc 13,1% sau khi hãng dự báo doanh thu mùa mua sắm cuối năm nay sẽ giảm. Áp lực giảm điểm trên sàn Phố Wall lan rộng sang các cổ phiếu bán lẻ khác, khiến Macy’s giảm hơn 8%, Best Buy cũng mất hơn 8%, và Foot Locker hạ hơn 7%. Nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu thuộc chỉ số S&P 500 chốt phiên giảm 1,5%.

Ông Jeff Kilburg - nhà sáng lập kiêm CEO của KKM Financial, nhận định: “Một mùa báo cáo lợi nhuận đầy biến động đối với ngành bán lẻ khiến giới đầu tư phải cân nhắc thận trọng hơn và quan tâm đến hoạt động bán lẻ khi chênh lệnh giữa các trung tâm thương mại lớn và các cửa hàng chuyên bán lẻ tiếp tục nới rộng”.

Trong khi đó, chiến lược gia thị trường Brian Levitt tại Invesco cho rằng bức tranh ngành bán lẻ hiện nay có nhiều mảng màu sáng tối lẫn lộn. Số liệu doanh số bán lẻ toàn nước Mỹ được công bố vào sáng 16/11 có thông điệp trái ngược với cảnh báo từ Target.

Chuyên gia Levitt cũng lưu ý: “Doanh số bán lẻ cả nước cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các sự kiện lớn cuối năm, trong khi Target lại cảnh báo một mùa mua sắm cuối năm ảm đạm. Chúng tôi cũng có nhận định tương tự với Target vì chính sách tiền tệ thắt chặt được đưa ra nhằm khiến người tiêu dùng cảm thấy mình bớt giàu hơn, tiêu dùng ít đi, và điều này làm lạm phát hạ nhiệt”.

Thống đốc Christopher Waller của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một người thường đưa ra quan điểm cứng rắn về lạm phát, ngày 16/11 nói rằng ông giờ đây “cảm thấy thoải mái hơn” với việc tăng lãi suất với bước nhảy ngắn hơn trong thời gian tới vì các số liệu cho thấy giá cả tăng chậm lại.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall hồi tuấn trước đã tăng mạnh sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ thấp hơn dự báo. Chỉ số S&P 500 vào tuần trước ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2022, và cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng khởi sắc từ đầu tháng đến nay.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cảnh báo đà sụt giảm ngắn hạn trên sàn Phố Wall có thể sắp xảy ra.

Adam Sarhan - Giám đốc điều hành của 50 Park Investments cho biết: “Trong ngắn hạn, thị trường cổ phiếu có khả năng chịu sức ép từ số liệu kém khả quan của ngành bán lẻ”.

Trong ngày 16/11, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 3,7%.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng mục tiêu "hạ cánh mềm" của Fed có thể sắp trở thành hiện thực mặc dù ngành bán lẻ có thể chịu tác động tiêu cực từ các đợt tăng mạnh lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ.

"Fed có khả năng sẽ thành công trong việc thực hiện mục tiêu hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, diễn biến trong phiên hôm nay cho thấy các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn trước cảnh báo ảm đạm từ lĩnh vực bán lẻ”.