Theo CNBC, đóng cửa phiên ngày thứ Ba, chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,59% lên 17.019,88 điểm, lần đầu tiên vượt mốc 17.000 điểm. Chỉ số này lập kỷ lục mới trong phiên chủ yếu do đà tăng bùng nổ hơn 7% của cổ phiếu Nvidia.
Chỉ số S&P 500 nhích 0,02% lên 5.306,04 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones giảm 216,73 điểm (tương đương 0,55%) xuống còn 38.852,86 điểm.
Việc chỉ một số ít cổ phiếu, điển hình như Nvidia, “gánh” các chỉ số đang che đậy những vấn đề trên thị trường Phố Wall. Trong số 500 thành viên của S&P 500, có hơn 350 cổ phiếu giảm điểm phiên này. Các nhóm y tế, công nghiệp và tài chính đều đóng cửa phiên với mức giảm hơn 1%.
Lãi suất cao hơn trong thời gia lâu hơn đang là một mối lo phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall.
Trong cuộc đấu giá vừa qua, do nhu cầu trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm thấp, lợi suất đã tăng lên mức 4,5%. Các chỉ số chính đồng loạt chịu áp lực sau thông tin trên, trong đó Dow Jones mất hơn 300 điểm trước khi phục hồi ở cuối phiên.
Lĩnh vực công nghệ đã nâng đỡ cho S&P 500 và Nasdaq Composite trong phiên giao dịch.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari hôm 28/5 nói rằng ông muốn chứng kiến dữ liệu cho thấy xu hướng thiểu phát trong “nhiều tháng” trước khi Ngân hàng Trung ương Mỹ hạ lãi suất. Ông Kashkari cũng không loại trừ khả năng Fed sẽ tăng lãi suất nếu lạm phát tiếp tục tăng nhiệt.
Nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của Apollo Global Management lưu ý rằng lạm phát siêu lõi, không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng và nhà ở, đã bắt đầu tăng tốc trở lại trong những tháng gần đây. Sự gia tăng lạm phát này, kết hợp với triển vọng nhà ở mạnh mẽ, có thể cản trở kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay, theo chuyên gia Slok.
Các nhà giao dịch hiện chỉ nhận thấy 50% cơ hội có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên từ Fed vào tháng 9 này, theo CME FedWatch Tool.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đang tiến gần tới hoàn tất một tháng tăng điểm mạnh, với cả ba chỉ số đều phá kỷ lục trong tháng 5. Từ đầu tháng tới nay, Dow Jones tăng 2,7%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt vọt lên hơn 5% và 8%.
Ngoài ra, phiên 28/5 cũng đánh dấu lần đầu tiên sau 100 năm, chu kỳ thanh toán đối với các giao dịch chứng khoán tại Mỹ được rút ngắn một nửa xuống còn một ngày. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã quyết định triển khai “T+1” với mục đích giảm bớt rủi ro trong hệ thống tài chính.
Chuyên gia Larry Tentarelli, người sáng lập Blue Chip Daily Trend Report, đánh giá: "Sau một cuối tuần dài, thị trường Phố Wall có thể ghi nhận một số bất ổn. Tuy nhiên nhìn chung, tôi cho rằng giới đầu tư vẫn đang lạc quan”.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu về thu nhập và chi tiêu cá nhân, bao gồm cả chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 sẽ được công bố vào ngày 31/5. Chỉ số PCE trong tháng 4 dự kiến sẽ giữ ổn định.
“Nhà đầu tư đang cảm thấy hồi hộp và muốn chờ xem liệu lạm phát có giảm về gần mức mục tiêu 2% của Fed hay không” - Giám đốc đầu tư Gene Goldman của Công ty Cetera Investment Management nói với Reuters.