Chứng khoán Mỹ ”rực lửa” vì làn sóng bán tháo cổ phiếu quay lại

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần khi giới đầu tư bán tháo cổ phiếu trước lo ngại FED trở nên “diều hâu” hơn trong chính sách tiền tệ.

Dow Jones lao dốc hơn 600 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/8. Ảnh: CNBC
Dow Jones lao dốc hơn 600 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/8. Ảnh: CNBC

Trong ngày 22/8, chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất từ giữa tháng 6 trong bối cảnh nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất tại cuộc họp chính sách  sắp tới nhằm sớm kéo giảm lạm phát. 

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones sụt 643,13 điểm (tương đương 1,91%) xuống còn 33.063,61 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 2,14%, về mức 4.137,99 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 2,55% còn 12.381.,7 điểm. Đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 16/6/2022 đối với cả Dow Jones và S&P 500.

Tất cả 11 lĩnh vực kinh tế thuộc S&P 500 đều giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần.

Nhóm cổ phiếu công nghệ là một trong những lĩnh vực giảm mạnh nhất do lo ngại FED sẽ nâng lãi suất quyết liệt hơn. Cổ phiếu Amazon sụt 3,6%. Nhóm cổ phiếu chất bán dẫn cũng lao dốc mạnh với cổ phiếu Nvidia giảm 4,6%. Cổ phiếu Netflix mất 6,1% sau khi bị CFRA hạ bậc xuống “bán”.

Giới đầu tư đang lo ngại thị trường sẽ có biến động mạnh trong tuần này trước khi Chủ tịch FED Jerome Powell có bài phát biểu về lạm phát và lãi suất tại hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, bang Wyoming.

Ông Robert Cantwell - Giám đốc quản lý danh mục tại Upholdings, nhận xét: “Các chỉ số lao dốc trong phiên giao dịch hôm nay cho thấy thị trường Phố Wall đang gia tăng lo ngại rằng FED cần phải mạnh tay hơn trong việc giảm tốc nền kinh tế” nếu như muốn đưa lạm phát quay xuống mức trước đây”.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày thứ Hai diễn ra sau khi chỉ số S&P 500 đứt chuỗi tăng điểm kéo dài bốn tuần liên tiếp trong tuần trước. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng 13% so với mức đáy ghi nhận hồi tháng 6/2022.

Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ phát biểu tại hội nghị thường niên Jackson Hole, Wyoming vào lúc 10 giờ sáng ngày 26/8.

Công ty nghiên cứu Wolfe Research nhận định rằng Chủ tịch FED sẽ thể hiện lập trường cứng rắn với lạm phát tại hội nghị sắp tới ở Jackson Hole. “Chúng tôi dự báo Chủ tịch Powell sẽ đưa ra quan điểm diều hâu hơn tại Jackson Hole” - nhà phân tích Chris Senyek lưu ý với nhà đầu tư Phố Wall ngày 22/8.

Theo chuyên gia Senyek, FED sẽ phải nâng lãi suất quỹ liên bang lên trên 4,5% mới có thể kiềm chế lạm phát trước khi đạt mục tiêu dài hạn 2%.

“Diều hâu” là từ dùng để chỉ những người ưu tiên mục tiêu chống lạm phát và do vậy thường ủng hộ thắt chặt tiền tệ, tăng mạnh lãi suất. Trái lại, “bồ câu” là những người ưu tiên tăng trưởng kinh tế và mong muốn nới lỏng chính sách tiền tệ, không tăng lãi suất.

Cũng có nhận định tương tự, ông Michael Schumacher - Giám đốc chiến lược vĩ mô của Wells Fargo Securities, cho biết thị trường đang dự báo ông Powell sẽ gửi đi những thông điệp cứng rắn về lạm phát và lãi suất sau khi nhiều quan chức khác của FED thể hiện quan điểm diều hâu trong những ngày qua.

Tuần trước, Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis James Bullard tuyên bố ông sẽ ủng hộ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 20 – 21/9.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong ngày 22/8 lần đầu tiên vượt mốc 3% kể từ ngày 21/7/2022  khi các nhà giao dịch trái phiếu kỳ vọng Hội nghị chuyên đề Jackson Hole của FED sẽ gửi đi thông điệp “diều hâu” đến thị trường.

Triển vọng FED tăng mạnh lãi suất cũng được thể hiện qua diễn biến của đồng USD. Chỉ số đồng USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,7% lên mức 108,93 điểm trong ngày 22/8, chứng kiếnphiên tăng thứ 7 liên tiếp. 

Trong khi đó, chỉ số VIX - một thước đo mức độ biến động của cổ phiếu, tăng vọt lên mức cao nhất kể từ ngày 3/8.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần