Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu vì lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay nâng lãi suất để kìm lạm phát sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 hạ 0,58% xuống còn 3.900,79 điểm, sau khi sụt 4% ở phiên trước đó. Chỉ số này đang hướng về vùng “thị trường gấu” (thị trường đầu cơ giá xuống) khi lao dốc 19% so với mức cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 1/2022.
Chỉ số Dow Jones giảm 236,94 điểm, tương đương 0,75%, xuống 31.253,13 điểm sau khi trải phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020 khi “bay” hơn 1.100 điểm trong phiên ngày 18/5. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 0,26% còn 11.388,50 điểm. Hôm thứ Tư, chỉ số này giảm 4,7%.
Ông Greg Bassuk - giám đốc điều hành của AXS Investments nhận định: “Điều quan trọng nhất mà nhà đầu tư rút ra là họ cần phải chuẩn bị tâm lý để ứng phó với biến động mạnh của thị trường. Chúng tôi cho rằng sự biến động mạnh sẽ còn kéo dài trong quý II, và thậm chí là những tháng còn lại trong năm nay”.
Cả S&P 500 và Nasdaq đều đã lao dốc hơn 3% trong tuần này, còn Dow Jones sụt 2,9%. Lý do chính khiến nhà đầu tư trên sàn Phố Wall đẩy mạnh bán cổ phiếu trong tuần này là báo cáo kết quả kinh doanh quý I của hai hãng bán lẻ lớn Target và Walmart cho thấy giá nhiên liệu gia tăng và nhu cầu tiêu dùng suy yếu đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của công ty trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ chạm đỉnh nhiều thập kỷ. Sau khi giảm 24% trong phiên ngày thứ Tư, cổ phiếu Target mất thêm 5,1% trong phiên ngày thứ Năm.
Maneesh S. Deshpande - Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ tại Barclays, cho rằng động thái bán tháo mạnh ở những công ty này, cũng như các công ty hàng tiêu dùng khác trong quý này, phản ánh rằng áp lực lạm phát cuối cùng cũng có tác động đến kết quả lợi nhuận doanh nghiệp.
Cisco là công ty lớn mới nhất chứng kiến phiên giao dịch ảm đạm khi mất 13,7% trong ngày thứ Năm. Công ty này báo cáo doanh thu quý I thấp hơn dự báo và cảnh báo doanh thu kém khả quan trong quý II.
Chứng khoán Mỹ đã phải chịu áp lực giảm từ đầu năm đến nay khi nhà đầu tư bắt đầu dịch chuyển khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ vốn được đánh giá cao nhưng hầu như chưa có lợi nhuận. Sau đó, xu hướng bán tháo lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả ngân hàng và bán lẻ, do rủi ro suy thoái khiến nhà đầu tư hoảng sợ.
Trong phiên giao dịch ngày 19/5, một loạt cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 chứng kiến mức thấp nhất trong 52 tuần, với cổ phiếu Target chạm mức đáy từ tháng 11/2020; Walmart xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Trong khi đó, cổ phiếu Bank of America và Charles Schwab chạm mức đáy từ tháng 1/2021, còn Intel chạm đáy kể từ tháng 10/2017.
Một số chiến lược gia trên Phố Wall đưa ra dự báo ảm đạm đối với thị trường cổ phiếu nếu FED nâng lãi suất khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Phát biểu tại một sự kiện vào đầu tuần này, Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kéo lạm phát xuống.
Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên 218.000 người trong tuần kết thúc ngày 14/5, dấu hiệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc.