Chứng khoán Mỹ tiếp tục biến động, Nasdaq giảm mạnh nhất từ đầu năm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ liên tục trồi sụt trong phiên ngày 27/4, Nasdaq Composite đóng cửa ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay sau khi chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2020.

Nasdaq Composite khép phiên ngày thứ Tư ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: AP
Nasdaq Composite khép phiên ngày thứ Tư ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: AP

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đã gắng gượng hồi phục từ đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trong tháng 4 này, nhưng gặp nhiều trở ngại.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 27/4, chỉ số Nasdaq Composite gần như đi ngang ở mức 12.488,93 điểm, sau khi có thời điểm tăng vọt 1,7% trong phiên. Chỉ số Dow Jones nhích 61,75 điểm, tương đương 0,2%, lên mức 33.301,93 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,2% lên mức 4.183,96 điểm. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ biến động trồi sụt liên tục trong phiên ngày thứ Tư.

“Nhà đầu tư đang kiên nhẫn tìm kiếm một sự ổn định. Thị trường cần một vài công ty nữa công bố kết quả kinh doanh khả quan hơn, đáng tin cậy và bền vững để nhà đầu tư có thể tiếp tục mua cổ phiếu trở lại," CEO Karri Firestone của Aureus Asset Management nhận định.

Trong phiên giao dịch này, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường, khi nhà đầu tư phân tích số liệu doanh thu và lợi nhuận trong quý I/2022 của các công ty công nghệ vốn hoá lớn.

Cổ phiếu Microsoft leo dốc 4,8%, tạo ra lực đẩy quan trọng cho các chỉ số, nhờ kết quả kinh doanh tích cực. Bên cạnh việc công bố doanh thu và lợi nhuận khả quan hơn hơn dự báo, Microsoft còn đưa ra dự báo tích cực trong thời gian tới.

Visa tăng gần 6,5%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trong Dow Jones, cũng nhờ kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Alphabet sụt 3,6% sau khi đưa ra kết quả kinh doanh quý đầu năm thấp hơn dự báo. Cổ phiếu Boeing giảm 7,5% cũng với lý do tương tự, trở thành trở ngại lớn nhất trong Dow Jones.

Giới đầu tư đang “ngóng” báo cáo kinh doanh quý I/2022 của Meta, Apple và Amazon, để xem các kết quả này có thể chứng minh việc bán tháo trong tháng 4 này là sai lầm.

Chuyên gia Jonathan Krinsky của BTIG cho biết: “Chúng tôi vẫn đang rất thận trọng. Theo quan điểm của chúng tôi, xu hướng của thị trường vẫn là đi xuống. Vì vậy, những phiên phục hồi nhẹ chỉ giúp làm dịu thị trường trong ngắn hạn”.

Các nhà đầu tư trên sàn Phố Wall vẫn giữ tâm lý thận trọng chờ đợi xem liệu kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ có chứng minh động thái bán tháo mạnh trong tháng 4 là sai lầm hay không.

Nasdaq hiện đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) khi giảm 23% so với mức đỉnh. S&P 500 sụt 13,2% so với mức kỷ lục gần đây và đang ở dưới ngưỡng hỗ trợ chủ chốt 4.200 điểm.

Tính từ đầu tháng đến phiên này, S&P 500 đã giảm 7,7%; Nasdaq mất 12,2%; và Dow Jones giảm gần 4%.

“Ảnh hưởng của lạm phát dai dẳng, việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ, xung đột Nga-Ukraine, và làn sóng bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã tạo ra những ‘cơn gió ngược’ đối với nhà đầu tư trong tháng 4,” chiến lược gia Art Hogan của National Securities đánh giá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần