Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ trái chiều trước tin Trung Quốc mở cửa trở lại

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giới đầu tư Phố Wall kỳ vọng rằng động thái mới của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới có thể hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chỉ số S&P 500 sụt 0,4% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/12. Ảnh: CNBC
Chỉ số S&P 500 sụt 0,4% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/12. Ảnh: CNBC

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/12) sau khi chính quyền Trung Quốc cho biết họ sẽ mở cửa biên giới trở lại trong tháng tới, trong đó Dow Jones tăng nhẹ nhưng S&P 500 và Nasdaq Composite giảm điểm.

Theo CNBC, chốt phiên ngày 27/12, chỉ số S&P 500 sụt 0,4% xuống còn 3.829,25 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 1,38% còn 10.353,23 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones nhích 37,63 điểm (tương đương 0,11%) lên mức 33.241,56 điểm.

Các cổ phiếu liên quan với Trung Quốc khởi sắc khi nước này nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, cổ phiếu Tesla lao dốc hơn 11% trước thông tin về việc tạm dừng sản xuất kéo dài, với việc cổ phiếu trên đà ghi nhận năm tồi tệ nhất từ trước đến nay. Cổ phiếu Southwest giảm gần 6% khi hãng hàng không phải hủy hàng ngàn chuyến bay.

Lợi suất trái phiếu cũng tăng, gây áp lực lên nhóm cổ phiếu tăng trưởng như công nghệ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cuối phiên ngày 27/12 tăng gần 11 điểm cơ bản lên 3,85%.

Cổ phiếu Apple là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc Dow Jones, rớt xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 6/2021 và mất 1,4%.

Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại Truist, đánh giá: “Về cơ bản, lợi suất cao tiếp tục gây áp lực lên nhóm cổ phiếu tăng trưởng, với sự phân bổ lại vào các lĩnh vực khác nhỏ hơn, song không đủ lớn để thay đổi chỉ số chính”.

Chiến lược gia thị trường toàn cầu Sameer Samana tại Wells Fargo Investment Institute, cho rằng nhiều nhân tố đang gây áp lực lên các chỉ số chứng khoán Mỹ bao gồm nhà đầu tư bán lỗ để giảm số thuế phải nộp, hoạt động tái cơ cấu danh mục, và cân nhắc phương án đầu tư trong năm 2023.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đang trên đà ghi nhận năm sụt giảm sâu nhất kể từ 2008. Tính từ đầu 2022 đến hết phiên 27/12, Dow Jones và S&P 500 đã giảm lần lượt 8,5% và 19,7%, trong khi Nasdaq mất 33,8%. Tính riêng trong tháng 12, S&P 500 đã mất 6,2%, Dow Jones và Nasdaq giảm tương ứng 3,9% và 9,7%.

Sau một năm đầy khó khăn bởi nỗi lo lạm phát và suy thoái kinh tế, nhà đầu tư hy vọng sẽ kết thúc năm 2022 với một sự tích cực. Các câu hỏi cũng đặt ra về việc liệu sự biến động sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023 hay không và nền kinh tế, cũng như lạm phát, sẽ mang lại điều gì khi năm cũ đi qua.

Các thị trường đã tạm đóng cửa vào ngày thứ Hai (26/12) do nghĩ lễ Giáng sinh. Trong tuần giao dịch rút ngắn này, nhà đầu tư dự báo sự yên tĩnh tương đối hoặc biến động mạnh hơn do khối lượng giao dịch thấp.

Thị trường đang chờ các số liệu về ngành sản xuất và thị trường nhà đất dự kiến công bố vào ngày thứ Tư. Điều mà nhà đầu tư hy vọng là những con dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang yếu đi, vì như vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục giảm nhịp độ tăng lãi suất.

Trong khi đó, chuyên gia Ryan Detrick của Tập đoàn Carson lạc quan cho rằng thị trường Phố Wall có thể phục hồi trong năm 2023 bất chấp nỗi lo về lạm phát và suy thoái kinh tế.

“Tôi dự đoán, trong năm tới, nếu lạm phát được kiểm soát, chỉ số S&P sẽ tăng 13%. Thậm chí, trong trường hợp lạm phát vẫn  tang cao, chỉ số này vẫn tăng trung bình khoảng 6%” – chuyên gia Detrick cho hay.