Chứng khoán Mỹ “xanh mướt” sau đợt bán tháo, Dow Jones leo dốc hơn 300 điểm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số của chứng khoán Mỹ tăng mạnh trở lại trong ngày 5/10 sau đợt bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ tở phiên trước đó.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones cộng 311,75 điểm, tương đương 0,92%, đạt mức 34.314,67 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 1,05% lên 4.345,72 điểm và chỉ số Nasdaq Composite nhích 1,25% lên 14.433,83 điểm.
 chỉ số Dow Jones tăng hơn 300 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/10. Ảnh: CNBC 
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa đều phục hồi mạnh sau phiên bán tháo trước đó. Cổ phiếu Netflix tăng vọt 5,2%, hay như Amazon tăng 1%. Cổ phiếu Apple và Alphabet lần lượt tăng 1,4% và gần 1,8%.
Facebook phục hồi 2,1% sau khi lao dốc gần 5% trong phiên ngày 4/10 do mạng xã hội lớn nhất thế giới gặp sự cố không thể truy cập trong nhiều giờ.
Nhóm cổ phiếu năng lượng giao dịch khởi sắc nhờ giá dầu tiếp tục tăng mạnh. Giá dầu WTI có thời điểm leo lên 79 USD/thùng trước khi chốt phiên ngày thứ Ba ở mức 78,93 USD/thùng. Cổ phiếu Chevron cộng 1% và cổ phiếu Enphase Enerigy cũng tăng 1,6%.
Nhóm cổ phiếu vốn nhạy cảm với sự phục hồi kinh tế, như du thuyền, hàng không, bán lẻ và ngân hàng, cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch này. Cổ phiếu Norwegian Cruise Line cộng hơn 1%, cổ phiếu Goldman Sachs tăng vọt 3,1%, còn cổ phiếu Wells Fargo nhích 2%.
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ thường bị chia làm hai thái cực là các cổ phiếu thuận chu kỳ gắn với tái mở cửa nền kinh tế và cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Tuy nhiên,  trong phiên giao dịch ngày 5/10, cả hai nhóm cổ phiếu này đều tăng điểm. Trong 30 cổ phiếu bluechip thuộc Dow Jones, có tới 26 mã tăng.
Một trong những yếu tố tích cực hỗ trợ sàn Phố Wall là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất do Viện quản lý nguồn cung (ISM) công bố tăng từ 59,9 điểm trong tháng 8 lên 61,1 điểm trong tháng 9, cao hơn dự báo của giới phân tích.
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tháng 9 đầy biến động do nhà đầu tư lo ngại về lạm phát, kinh tế giảm tốc và lãi suất tăng. Chỉ số S&P 500 kết thúc tháng 9 mất 4,8%, đứt mạch 7 tháng leo dốc liên tiếp và là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Trong tháng 9 vừa qua, cổ phiếu công nghệ là nhóm diễn biến tiêu cực nhất trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng cao khiến nhà đầu tư rút tiền khỏi các ngành có định giá cao và vay nợ lớn. Lợi suất trái phiếu tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) báo hiệu sẽ sớm bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 1,53% trong ngày 5/10 sau khi tăng lên mức 1,56% vào tuần trước.
Ông Mark Haefele - Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản UBS nhận định: "Đợt bán tháo gần đây diễn ra một phần là do lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng, lạm phát cao và tăng trưởng yếu. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt năng lượng và bế tắc về tài khóa cũng ảnh hưởng tới tâm lý giới đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những lo ngại này sẽ sớm qua đi và thị trường sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo tăng".
Tại Washington, các nhà lập pháp vẫn chưa thể thống nhất nâng trần nợ công hoặc hoãn áp dụng trần nợ. Bộ Tài chính Mỹ hồi tuần trước đã cảnh báo rằng các nhà lập pháp phải giải quyết vấn đề trần nợ công trước ngày 18/10 nhằm tránh dẫn tình trạng cạn tiền để thanh toán trái phiếu chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 5/10 nói rằng nếu Quốc hội không nâng trần nợ và để chính phủ Mỹ vỡ nợ, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, một số người tin rằng triển vọng chứng khoán Mỹ vẫn vững chắc sau một tháng 9 yếu kém khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau khủng hoảng Covid-19. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào dữ liệu việc làm tháng 9 được công bố vào ngày 8/10 để tìm kiếm thêm tín hiệu về việc cắt giảm chương trình mua tài sản FED./.