Chứng khoán Mỹ:Nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu, Dow Jones tăng hơn 500 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng mạnh, với Dow Jones tăng hơn 500 điểm và S&P 500 chạm đỉnh 3 tháng, sau khi dữ liệu cho thấy CPI tháng 7 đã hạ nhiệt.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên ngày 10/8 khi CPI tháng 7 hạ nhiệt. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên ngày 10/8 khi CPI tháng 7 hạ nhiệt. Ảnh: AP

Chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ trong ngày 10/8 khi nhà đầu tư ồ ạt gom cổ phiếu và tin rằng lạm phát đỉnh của Mỹ đã qua sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy CPI tháng 7 của Mỹ thấp hơn tháng trước đó.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 10/8, chỉ số Dow Jones tăng 535,10 điểm, tương đương 1,63%, lên mức 33.309,51 điểm. Chỉ số S&P 500 leo dốc 2,13% lên 4.210,24 điểm, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2022. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 2,89% lên 12.854,80 điểm - mức đóng cửa tốt nhất kể từ cuối tháng 4/2022.

Số liệu được Cục Thống kê lao động Mỹ công bố ngày 10/8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Mỹ (CPI) tăng 8,5% so cùng kỳ năm ngoái và gần như không đổi so với tháng 6. Chỉ số này thấp hơn so với dự báo tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021 của các chuyên gia và chỉ tăng nhẹ 0,2% so với tháng 6. Lạm phát cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, cũng tăng thấp hơn so với dự kiến.

Đây là một dữ liệu kinh tế quan trọng giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) định hình chính sách tiền tệ trong cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới. 

Theo ông Jim Cramer – người dẫn chương trình của CNBC và từng là nhà quản lý quỹ đầu cơ, CPI trong tháng 7 hạ nhiệt cho thấy lạm phát tại Mỹ dường như đã qua mức đỉnh. “Rõ ràng, lạm phát đã qua mức đỉnh điểm khi giá năng lượng, dịch vụ du lịch và nhiều hàng hóa đã giảm trong tháng 7”- ông Cramer cho hay. Chuyên gia này dự báo FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 9 nhưng mức tăng chỉ là 0,5 điểm cơ bản thay vì mức 0,75 điểm được nhiều người dự đoán.

Thị trường tiền tệ tương lai dự báo chắc chắn FEDd sẽ nâng lãi suất, có thể thêm 0,5% hoặc 0,75%. Khi lạm phát hạ nhiệt, FED sẽ không cần tăng lãi suất quá mạnh.

Dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến ​​của Mỹ đã làm dấy lên niềm tin của các nhà đầu tư rằng cổ phiếu và trái phiếu sẽ phục hồi song song, trong một năm thua lỗ sâu sắc đối với cả hai loại tài sản.

Nancy Davis - nhà sáng lập Quadratic Capital Management, nhận định với CNBC:  “CPI tăng chậm lại giúp xoa dịu sức ép đối với FED trong suốt thời gian qua. Nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, nhiều khả năng FED sẽ bớt mạnh tay trong quá trình siết chính sách tiền tệ của mình”.

Trong phiên giao dịch ngày 10/8, các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn tăng mạnh nhất trên sàn Phố Wall, với cổ phiếu Meta tiến 5,8% và cổ phiếu Netflix nhảy vọt hơn 6%. Cổ phiếu Salesforce là một trong những mã tăng mạnh nhất thuộc Dow Jones khi cộng 3,5%.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 2,786% trong ngày thứ Tư, thấp hơn đáng kể so với mốc 3,482% ghi nhận vào ngày 14/6. 

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, dao dộng dưới mốc 20 trong những phút giao dịch cuối cùng. Đây là lần đầu tiên trong 90 ngày chỉ số này khép phiên dưới mốc 20. Đây là chuỗi dài thứ 10 như vậy kể từ năm 1990, theo Bespoke Investment Group.

Báo cáo thị trường lao động tích cực trong tuần trước và số liệu lạm phát tháng 7 hạ nhiệt trong tuần này chứng tỏ những tranh luận về việc nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa không còn là vấn đề quan trọng đối với nhà đầu tư.

Nhà kinh tế trưởng Aneta Markowska của ngân hàng đầu tư Jefferies nhận định: “Toàn bộ câu chuyện suy thoái cần phải được gác lại sang một bên, thay vào đó là quan tâm đến tốc độ tăng trưởng”. Bà Markowska dự báo GDP của Mỹ tăng trưởng 3% trong quý III năm nay.

Chứng khoán Mỹ đang trong xu hướng tăng điểm sau khi khép lại nửa đầu năm giảm điểm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Lý do là bởi nhà đầu tư dự báo lạm phát sẽ giảm, tiền đề để FED chuyển từ quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ sang nới lỏng, điều này sẽ có lợi đối với thị trường cổ phiếu.