Tròn 50 năm đồng hành đồng hành với những thăng trầm của quá trình kiến thiết đất nước, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đã trở thành một doanh nghiệp chủ lực của Thủ đô trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở. Nhân dịp này, ông Giang Quốc Trung - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV UDIC đã có cuộc trao đổi với Kinh tế&Đô thị về những nỗ lực không ngừng của Tổng công ty và chiến lược phát triển trong tình hình mới, kiên định với slogan “UDIC hạ tầng – Nâng tầm cuộc sống”.
Trong khoảng 10 năm qua, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều biến cố, từ cuộc khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2010-2012 và hiện tại là đại dịch Covid-19 kéo dài đã 2 năm. Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng, thực trạng này đã tác động như thế nào đến Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC?
- Quá trình hoạt động, vận hành của UDIC nằm trong mạch vận động chung của nền kinh tế. Những thách thức, khó khăn trong suốt một thập kỉ qua từ khủng hoảng thị trường bất động sản giai đoạn 2010-2012 đến đại dịch Covid-19 là thực tế chung mà UDIC nói riêng và khối doanh nghiệp nói chung hoạt động trong lĩnh vực liên quan phải đối mặt.
Bên cạnh đó, ngành đầu tư, xây dựng còn gặp phải những vướng mắc, bất cập về thể chế, nhất là các cơ chế chính sách về: quy hoạch, xây dựng, đất đai, cải tạo chung cư cũ, ngân sách đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, bồi thường, giải phóng mặt bằng… Có thời điểm, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công khiến tình hình tìm kiếm nguồn công việc của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn. Hệ quả trực tiếp là công việc của các đơn vị trong Tổng công ty bị thiếu dẫn đến giá trị sản lượng và doanh thu đều giảm trong khi chi phí sản xuất lại tăng do lạm phát.
Tuy nhiên, chúng tôi luôn hiểu rằng thách thức, khó khăn là một phần của cuộc sống và luôn song hành cùng cơ hội. Nhìn thấy cơ hội và vượt lên nghịch cảnh là điều mà Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc và tập thể người lao động UDIC phải vượt qua để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Chính bởi tinh thần đó mà giai đoạn 2011-2020 đã ghi nhận những thành công mang tính đột phá. Từ năm 2011 - 2015, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 3.395 đồng, mức tăng bình quân hàng năm đạt 11%. Từ năm 2016 - 2020, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 7.369 tỷ đồng, mức tăng bình quân hàng năm đạt 10%.
Đối mặt với những khó khăn, UDIC đã có những thay đổi, thích nghi như thế nào để vượt lên nghịch cảnh, đạt những con số ấn tượng trên?
- Chúng tôi đã kịp thời thực hiện tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, rà soát tiến độ các dự án đang triển khai, tập trung nguồn lực vào các dự án có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, công tác quản lý chất lượng hay công tác an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Các mô hình, sáng kiến và cách làm mới luôn được khuyến khích, áp dụng. Hiện nay, UDIC là một trong số ít doanh nghiệp của Thủ đô đi đầu trong lĩnh vực BIM - áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt chú trọng yếu tố con người vì hiểu rằng nhân tố con người là nền tảng và động lực cho sự phát triển. Chính những động thái kịp thời này giúp chúng tôi nâng cao hiệu suất công việc, hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Ông vừa đề cập đến nhân tố con người trong sự phát triển của UDIC. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
- Với UDIC, nhân tố con người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững. Mọi sáng tạo, phát kiến, thúc đẩy sự đi lên của mỗi đơn vị đều gắn với con người. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng, cơ cấu lại lực lượng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển là một nhiệm vụ trọng yếu. Chúng tôi muốn tạo nên đội ngũ con người UDIC năng động sáng tạo trong tình hình mới. Hàng năm, các đơn vị luôn chú trọng đến công tác tuyển dụng, đào tạo lao động nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chúng tôi cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đề ra nhiều biện pháp, chính sách đảm bảo quyền lợi và tạo môi trường làm việc ổn định, hấp dẫn để thu hút lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao vào làm việc phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của từng đơn vị trong từng thời kỳ.
Mười năm qua, tên tuổi UDIC gắn với rất nhiều công trình bất động sản lớn tại Hà Nội. Là một đơn vị đa ngành, bất động sản đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của UDIC?
- Cùng với đấu thầu thi công xây lắp, đầu tư kinh doanh bất động sản là ngành nghề mũi nhọn, chủ lực của UDIC. Đối với lĩnh vực bất động sản, trong thời gian qua, chiến lược xuyên suốt và chủ đạo của Tổng Công ty là chuyển dần tư vai trò làm thuê sang làm chủ. Trước đây, UDIC chủ yếu là đơn vị thi công nhưng bây giờ và tương lai sẽ làm chủ dự án là chính. Chúng tôi sẽ chuyển dần từ vai trò từ làm thuê sang làm chủ trong thị trường đầu tư xây dựng trên phạm vi toàn Tổng công ty, nhanh chóng tạo thế và lực mới cho sự phát triển.
Trên thực tế, nhiều dự án đã ghi dấu ấn của chúng tôi trong vai trò này như các khu đô thị Trung Yên, Yên Hòa, Nam Thăng Long, Hạ Đình, Nghĩa Đô… Các công trình hỗn hợp cao tầng tại Trung Yên Plaza, UDIC Complex, UDIC Riverside, UDIC WestLake… 100% các dự án do Tổng công ty làm chủ đầu tư đều được hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng đã cam kết với khách hàng, được khánh hàng và các cơ quan chức năng tin tưởng, đánh giá cao.
Chuyển sang làm chủ dự án, UDIC có chiến lược phát triển nào để tạo sự khác biệt trên thị trường?
- Tôn chỉ, mục đích của chúng tôi là xây nhà bán như xây nhà cho mình ở. Trong thời gian tới, UDIC sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc khách hàng. Đối với căn hộ dòng cao cấp, sẽ là những sản phẩm gắn liền với tiện ích xanh, công nghệ thông minh trong quản lý căn hộ… tiến tới tiêu chuẩn thành phố thông minh. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, UDIC sẽ cùng các đối tác trong liên doanh đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án NO1- Khu đô thị Hạ Đình.
Đối với phân khúc bất động sản công nghiệp, UDIC sẽ đẩy mạnh triển khai dự án Cụm Công nghiệp CN3 Sóc Sơn và các dự án tại các tỉnh, thành khác. Tổng Công ty UDIC cũng tiếp tục quan tâm và tập trung vào việc tham gia dự thầu hoặc được chỉ định trong tình huống cấp bách các gói thầu phục vụ an sinh xã hội của TP trong các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, nhà ở, hạ tầng đô thị và các công trình trọng điểm khác.
Nhiều chủ đầu tư đã tạo nên một vòng tròn khép kín trong phát triển bất động sản, từ xây dựng đến vận hành dự án với các khâu chăm sóc khách hàng hậu dự án , dịch vụ quản lý toà nhà. UDIC có dự định chú trọng mảng này?
- Bài toán quản lý, vận hành bất động sản cũng quan trọng không kém bài toán quy hoạch, xây dựng, phát triển sản phẩm… Quá trình quản lý, vận hành sau khi dự án bàn giao là minh chứng, là sự khẳng định những gì chủ đầu tư cam kết, hứa hẹn với khách hàng khi bán sản phẩm. Các sản phẩm của UDIC luôn nhất quán từ tôn chỉ, lời nói và hành động. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh khâu chăm sóc khách hàng hậu dự án, phát triển dịch vụ quản lý toà nhà.
UDIC muốn tạo dựng những sản phẩm tốt từ chất lượng xây dựng đến công tác quản lý vận hành. Chúng tôi hiểu rằng một dự án tốt còn là dự án mang đến sự hài lòng cho cư dân khi họ về sinh sống. Một cộng đồng cư dân hạnh phúc với nơi mình sống sẽ góp phần gia tăng giá trị bất động sản và xây dựng uy tín, nâng cao thương hiệu của chủ đầu tư.
Thưa ông, trong tương lai, mục tiêu của UDIC là gì?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng gắn với việc củng cố, khẳng định vị thế và thương hiệu UDIC, trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Thủ đô trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và xây dựng.
Bên cạnh đó, UDIC sẽ thực hiện tốt đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được UBND Thành phố phê duyệt; chất lượng cuộc sống của người lao động liên tục được nâng cao; các công ty thành viên phát triển mạnh và bền vững, có mối liên kết với nhau ngày càng chặt chẽ trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cổ đông và người lao động. Ngoài ra, UDIC tiếp tục định hướng cơ cấu ngành nghề và sản phẩm chủ yếu là Đầu tư - Xây lắp - Sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng - Tư vấn - Kinh doanh, dịch vụ. Hoạt động đầu tư vẫn là nghề sản xuất kinh doanh mũi nhọn, tạo động lực và tiền đề để các ngành nghề khác phát triển.
Như ông trao đổi, hoạt động đầu tư vẫn là nghề sản xuất kinh doanh mũi nhọn, tạo động lực và tiền đề để các ngành nghề khác phát triển. Như vậy trong tương lai, dấu ấn UDIC sẽ mạnh mẽ hơn nữa?
- Chúng tôi sẽ tăng cường các mối liên kết, mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động của Tổng công ty ra các vùng miền khác trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), TP Huế, Tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên… và đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư bất động sản.
Cùng với đó là đẩy mạnh việc hoàn thiện theo quy hoạch được duyệt các dự án khu đô thị mới Yên Hòa, Hạ Đình, Nam Thăng Long... Chúng tôi cũng sẽ tập trung triển khai các dự án: Cụm công nghiệp CN3, N01 - N02 Hạ Đình, B1 – B2 Yên Hòa … tạo nguồn công việc ổn định cho Tổng công ty trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, UDIC đẩy mạnh công tác tìm kiếm phát triển các dự án mới thông qua các hình thức: hợp tác kinh doanh, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư …nâng giá trị sản lượng từ lĩnh vực đầu tư lên 40% giá trị sản lượng của toàn Tổng Công ty và chú trọng công tác quản lý sau đầu tư (cấp giấy chứng nhận, bảo hành, bảo trì căn hộ, dịch vụ tiện ích...) tại các dự án nhà ở do Tổng công ty làm chủ đầu tư để tạo niềm tin yêu của khách hành đối với thương hiệu UDIC. Đặc biệt, chúng tôi kiên định với slogan “UDIC hạ tầng – Nâng tầm cuộc sống”.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
00:00 22/11/2021