Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 1
        
Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 2
Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 3
Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 4

- Thưa ông, sự phát triển của công nghệ truyền thông nói chung dẫn đến hành vi của người dùng thay đổi, đang làm cho vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vậy ông có nhận xét thế nào về quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều cơ quan báo chí ở nước ta hiện nay?

Sự phát triển rất mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đã cho ra đời nhiều kênh thông tin. Digital càng phát triển mạnh, ai cũng có thể sản xuất nội dung khiến cho các cơ quan báo chí càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 5

Riêng tại Việt Nam, hiện nay có thể lên đến hàng triệu kênh thông tin khác nhau do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị khác tạo nên với nhiều mục đích khác nhau như cập nhật thông tin, phổ biến kiến thức, giải trí…Chính điều này đã làm cho người dùng càng xa rời các kênh thông tin truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình,…

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 6

Như một lẽ tất nhiên, khi người dùng đã chuyển sang tiếp nhận thông tin tại các nền tảng Digital thì báo chí bắt buộc phải đáp ứng theo. Báo chí vẫn sản xuất nội dung trên các nền tảng truyền thống, nhưng khi người dùng đã đi sang các nền tảng khác thì cũng buộc báo chí phải dịch chuyển cùng người dùng. 

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam cho rằng có họ có website tức là đã chuyển đổi số. Mặt khác, nhiều cơ quan báo chí đang làm báo in trên nền tảng Digital. Đưa một bài viết cho báo in đẩy nguyên văn lên báo điện tử là không đúng, bởi trải nghiệm của người dùng giữa tờ báo in và báo điện tử hoàn toàn khác nhau. Nhưng đa số các cơ quan báo chí tại Việt Nam không quan tâm đến điều này mà mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng website, một số đưa các nội dung lên lưu trữ đám mây…

 

 

- Ông đánh giá đâu là thách thức, khó khăn lớn nhất đối với các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số?

Chuyển đổi số tuy đã được coi là yếu tố hết sức quan trọng, cấp bách nhưng rất nhiều cơ quan báo chí đang chưa biết bắt đầu từ đâu. Nhiều cơ quan báo chí hiểu đơn giản rằng chuyển đổi số nghĩa là đầu tư máy móc, thiết bị mới, một số phần mềm quản trị nội dung…nhưng thực tế không phải như vậy.

 

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 7

Chuyển đổi số đòi hỏi vai trò của ban lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu phải am hiểu để dẫn dắt - thường được nhấn mạnh là yếu tố giúp cho công cuộc chuyển đổi số dễ đạt thành công hơn.

Một số cơ quan báo chí trên thế giới đã có “Đại sứ về chuyển đổi số”. Những người này đóng vai trò then chốt để tạo niềm hứng khởi, theo dõi quá trình chuyển đổi số trong cả tòa soạn.

Thực chất, không có một công thức chung nào về chuyển đổi số cho các tòa soạn. Mỗi tòa soạn phải tìm hiểu xem mình có nhu cầu gì, cần đạt mục tiêu gì…từ đó, mới xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Chuyển đổi số còn cần một đội ngũ nhân sự hiểu rõ về mặt công nghệ. Hiện nay, không ít cơ quan báo chí đang coi bộ phận công nghệ như một bộ phận kỹ thuật hỗ trợ sửa máy tính, cài đặt phần mềm trong nội bộ. Trong khi đó, tại các tòa soạn báo chí hiện đại, bộ phận công nghệ đã và đang phải song hành cùng bộ phận nội dung. Thậm chí, người lập trình và chuyên gia dữ liệu phải phối hợp cùng các nhà báo để xây dựng nội dung.

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 8

Hầu hết các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay không có bộ phân nhân viên chuyên về dữ liệu (Data Scientist). Thay vì viết một bài phân tích phức tạp, khó hiểu, thì chúng ta có thể dựng các đồ họa tương tác với bạn đọc dễ dàng hơn. Ngay cả phóng viên, biên tập viên cũng phải có sự am hiểu nhất định về công nghệ. Vì thế, ngay từ bây giờ phải đào tạo kỹ năng cho cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Song, cái khó là chưa thể biết trong tương lai chúng ta sẽ cần những kỹ năng gì. Vì thế, mỗi tòa soạn cần phải có lộ trình đào tạo phù hợp tùy vào mục tiêu của mình.

- Dường như chỉ có các cơ quan báo chí lớn mới có đủ khả năng để chuyển đổi số, còn câu chuyện này sẽ khó khăn với các cơ quan báo chí nhỏ hơn, thưa ông?

Với các cơ quan báo chí lớn có lợi thế nhất định để chuyển đổi số vì họ có tiềm lực để xây dựng đội ngũ công nghệ đông đảo, hiện đại. Nhưng điều đó không có nghĩa là các cơ quan báo chí nhỏ hơn không thể chuyển đổi số.

Nếu chúng ta không thể “mua” thì có thể “thuê”. Thay vì xây dựng bộ máy công nghệ tinh nhuệ thì các cơ quan báo chí có thể “thuê ngoài”, phối hợp với các đối tác công nghệ chiến lược để sử dụng công cụ sản xuất nội dung, quản trị tòa soạn.

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 9
Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 10

- Thưa ông, trong xã hội thông tin ngày nay, dường như mọi người, nhất là thế hệ trẻ đang coi mạng xã hội trở thành phương tiện kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin thường nhật. Thậm chí mạng xã hội đã trở thành diễn đàn để mọi đối tượng chia sẻ quan điểm, góc nhìn về nhiều vấn đề mang tính thời sự - chính trị. Điều này tác động như thế nào đối với báo chí chính thống?

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội những năm gần đây đã tạo ra sự kết nối quan trọng cho mọi người. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng giúp cho thông tin được phổ biến nhanh chóng từng phút mà không gặp bất cứ trở ngại, rào cản nào về mặt địa lý. Nhìn ở góc độ tích cực, Internet đã trở thành kho kiến thức miễn phí, vô tận cho con người để nâng cao hiểu biết.

Với sự dễ dàng tiếp cận thông tin như vậy, việc mọi người ngày càng trở nên lệ thuộc vào mạng xã hội là một điều tất yếu xảy ra. Sự dễ dàng đó cũng khiến cho ngày càng có nhiều thông tin trên mạng xã hội khó phân biệt thật, giả; không ít đối tượng cố tình tung tin thất thiệt để bóp méo sự thật, gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân.

Nhiều người cho rằng, chỉ cần lên mạng xã hội là có tất cả mọi thông tin. Nhưng họ quên một điều rằng một tỷ lệ rất lớn thông tin trên mạng xã hội lấy từ thông tin báo chí. Thực tế là họ đang “đọc báo trên mạng xã hội”.

Một số thông tin báo chí chưa đưa lên mà mạng xã hội đã có, cũng có thể đúng, đúng một phần hoặc sai. Tiếp nhận những thông tin kiểu như vậy, nếu không có sự thẩm định, chọn lọc thông tin thì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Có nghiên cứu cho rằng, nếu người dùng phụ thuộc thông tin vào mạng xã hội quá nhiều thì tỷ lệ họ tin vào tin giả rất cao.

Xu hướng người dùng hiện nay thích đọc tin “thô”. Họ muốn tự mình phán xét xem thông tin đó đúng hay sai. Bởi nhiều quan điểm cho rằng, khi thông tin đã qua lăng kính của nhà báo tức là phần nào đã có định kiến. Song với quan điểm của báo chí chuyên nghiệp, báo chí phải thẩm định thông tin bằng đa nguồn.

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 11

- Khi mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, theo ông, báo chí phải ứng xử với “đối thủ đáng gờm” này như thế nào?

Từ những năm 2010, người ta đã bàn đến câu chuyện báo chí phải ứng xử ra sao trước sự lớn mạnh của mạng xã hội – tại thời điểm mà mạng xã hội chưa thực sự tinh vi, ứng dụng những công nghệ hiện đại như bây giờ. Lúc bấy giờ, các cơ quan báo chí đã bắt đầu phải lệ thuộc vào mạng xã hội. Bởi khi đưa thông tin lên mạng xã hội, báo chí được hưởng lượng truy cập từ mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm (Search engine) rất cao, tỷ lệ này từ khoảng 50% lên đến trên 80%.

Ngay từ lúc đó, người ta đã đặt ra vấn đề báo chí nên coi mạng xã hội là “bạn” hay là “thù”. Bởi rất nhiều cơ quan báo chí thấy rằng mạng xã hội đã trở thành một phần không thể tách rời. Lượt truy cập (Traffic) của báo chí đến từ mạng xã hội chiếm tỷ lệ rất lớn. Nhưng nếu lệ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, báo chí sẽ không còn vị thế của mình. Bởi thế, cũng nhiều cơ quan báo chí coi mạng xã hội là đối thủ cạnh tranh. Hai quan điểm điểm này dẫn đến quan điểm thứ 3 là báo chí coi mạng xã hội vừa là bạn, vừa là thù (Frenemy) – vừa phải cạnh tranh, vừa phải lợi dụng để có được lượng truy cập đến với mình.

Một trong những điểm mạng xã hội có lợi thế là họ nắm giữ chắc chắn dữ liệu người dùng. Còn đối với báo chí, những năm gần đây, do quá lệ thuộc vào mạng xã hội cho nên báo chí đang dần mất ưu thế.

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 12

Khi báo chí nhận ra sai lầm này thì đã rất khó chữa, vì chưa có đối sách phù hợp, dẫn đến đã mất một lượng người đọc nhất định.

Hiện nay các cơ quan báo chí đang phải tìm biện pháp đối phó với thực trạng trên. Một số cơ quan báo chí nước ngoài đã không còn đưa nội dung lên mạng xã hội, ứng dụng đọc tin tổng hợp. Song cách thức này chỉ hiệu quả đối với những cơ quan báo chí rất mạnh, tự tạo lập được cơ sở người dùng đủ lớn, đủ trung thành để tiếp cận nội dung trực tiếp.

Còn đối với nhiều cơ quan báo chí khác, cách làm này rất khó triển khai do tỷ lệ truy cập trực tiếp thấp. Thậm chí nhiều tờ báo tỷ lệ truy cập trực tiếp chỉ dưới 20%. Cho nên, vô hình trung, báo chí rất dễ mất khoảng 60% đến 70% tỷ lệ còn lại người truy cập qua các công cụ tìm kiếm hoặc qua mạng xã hội.

Cũng có một xu hướng khác trên thế giới là các cơ quan báo chí bắt tay nhau để tạo ra hệ thống nắm bắt người dùng chung. Thay vì để mất dữ liệu người dùng cho các mạng xã hội, thì giờ đây, các cơ quan báo chí hợp sức lại, đòi hỏi người dùng phải đăng nhập. Sau đó các cơ quan báo chí hợp tác với nhau sẵn sàng chia sẻ lượng dữ liệu người dùng.

Có nhiều cách thức để các cơ quan báo chí triển khai thu thập dữ liệu người dùng như: Yêu cầu người dùng đăng nhập và khai các dữ liệu cá nhân; sử dụng trí tuệ nhân tạo để nắm bắt thói quen người dùng…Điều này giúp cho các cơ quan báo chí trong một chừng mực nào đó sẽ hiểu rõ người dùng của mình và có cách thức sản xuất thông tin phù hợp.

- Vậy giá trị cốt lõi của báo chí là gì, thưa ông? Và làm thế nào báo chí có thể vượt qua thách thức gay gắt của mạng xã hội để có thể tồn tại, phát triển và khẳng định được vai trò của mình?

Giá trị cốt lõi của báo chí bao lâu nay vẫn nguyên vẹn và không thay đổi, bao gồm phải thông tin chính xác, có thẩm định, kiểm chứng và khách quan. Chỉ có điều, cách thức sản xuất và phát hành thông tin của báo chí thay đổi. Quan trọng nhất, báo chí phải hiểu đối tượng phục vụ của mình là ai rồi mới sản xuất nội dung phù hợp với đối tượng cần nhắm đến.

 

Càng ngày báo chí càng nhận ra rằng, nắm bắt dữ liệu người dùng trực tiếp là rất quan trọng. Các cơ quan báo chí cần biết độc giả của mình là ai, nhà ở đâu, ước tính thu nhập bao nhiêu, đặc điểm thế nào,… để từ đó có đối sách và nội dung phù hợp. Hay nói cách khác, báo chí đang quay trở lại thời kỳ nắm bắt dữ liệu người dùng như thuở các tòa soạn bán từng tờ báo in cho độc giả của mình.

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 13

- Với vai trò là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, sau hơn 3 năm Hội Nhà báo Việt Nam công bố “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc thực hiện bộ Quy tắc này trong đời sống báo chí?

Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam chủ yếu mang tính định hướng để các cơ quan báo chí tham khảo. Qua theo dõi, hiện nay vẫn còn một số người làm báo chưa tuân thủ chặt chẽ, thậm chí vi phạm các nội dung của Quy tắc này. Rất nhiều người làm báo hiện nay vẫn suy nghĩ đơn giản rằng khi họ đăng một nội dung, hình ảnh nào đó lên mạng xã hội thì chỉ mang tính cá nhân.

Nhưng điều đó chưa hẳn đúng. Bởi người khác nhìn vào trang của người đó với tư cách là một nhà báo. Khi người đó đăng tải một nội dung lên thì đó không còn là chỉ riêng ý kiến cá nhân mà những người dùng khác sẽ hiểu rộng hơn rằng đây là ý kiến của tòa soạn. Nếu ý kiến cá nhân đó trái với quan điểm của tòa soạn thì sẽ gây ra sự hiểu nhầm đáng ngại.

Kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí nước ngoài cho thấy, mỗi một cơ quan đều có một nguyên tắc dành cho người lao động của mình. Họ rất khắt khe trong việc người lao động của mình sử dụng mạng xã hội; trong đó không được tham gia những cuộc tranh cãi hay nêu ra những quan điểm trái với quan điểm của tờ báo trên mạng xã hội.

Ở Việt Nam cũng đã có một số tòa soạn áp dụng các quy tắc để cán bộ, phóng viên tòa soạn đó tuân thủ. Và đây cũng là một phần thỏa ước trong nội dung ký kết hợp đồng lao động. Từ đó, tòa soạn sẽ dễ quản lý cán bộ, phóng viên của mình hơn trên mạng xã hội.

 
 

- Về vấn đề bảo vệ quyền tác giả, ông có nhìn nhận thế nào về mối liên hệ giữa quyền tác giả với việc bảo đảm nguồn thu của các cơ quan báo chí, nhìn rộng hơn là vấn đề kinh tế báo chí?

Chúng ta thấy rằng, để có được một tác phẩm báo chí, dù là tin ngắn hay phóng sự dài kỳ, sức lao động của nhà báo là không nhỏ. Nhiều nhà báo đổ mồ hôi, thậm chí là máu để có được những tác phẩm báo chí sâu sắc, có giá trị. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút đăng tải, những nội dung đó đã có thể bị sao chép một cách trái phép, kể cả trên trang thông tin tổng hợp hay trên một số tờ báo khác.

Vấn đề này đã được cảnh báo từ lâu. Ở xã hội càng phát triển thì vấn đề tôn trọng bản quyền càng được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Có ý kiến cho rằng, thông tin càng được nhiều người xem thì càng tốt, nhưng theo tôi, tư duy này hoàn toàn sai lầm. Bởi nếu như vậy thì chúng ta hoàn toàn không tôn trọng sức lao động của phóng viên, biên tập viên của tờ báo đã sản xuất ra nội dung đó.

Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam còn suy nghĩ giản đơn về câu chuyện bản quyền, cho rằng những nội dung đã đưa lên Internet là miễn phí, cho nên họ được quyền lấy lại, dịch lại hoặc sử dụng ảnh, video. Giờ đây nhờ có một số công nghệ cao nên các nội dung bị lấy và sao chép đều được cảnh báo. Tuy nhiên những biện pháp về mặt kỹ thuật vẫn phần nào không ngăn cản được đối tượng cố tình sao chép nội dung.

Chừng nào không giải quyết được vấn đề vi phạm bản quyền, tình trạng bản quyền bị sao chép tràn lan thì chừng đó, các cơ quan báo chí sẽ vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tin bài “đồng phục”, tờ báo sẽ không có bản sắc riêng, không thể tạo ra một sức mạnh riêng.

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 14

- Vậy vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong vấn đề bảo vệ quyền tác giả là như thế nào, thưa ông? 

Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đặt ra vấn đề bảo vệ bản quyền. Trước mắt, cần sự chung tay của các cơ quan báo chí chính thống. Chúng ta phải ngồi lại với nhau, khẳng định chính chúng ta sẽ không xâm phạm bản quyền của nhau, trước khi phát hiện ra những đối tượng khác lấy trộm nội dung của chúng ta.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy - Ảnh 15

09:40 20/06/2022