Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia nhận định về TPP-11: Vắng Mỹ không có nghĩa là kết thúc

Lan Hương - ảnh: Đinh Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bà Virginia Foote - cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, TPP-11 có Nhật Bản, Canada, Peru... và có lợi cho Việt Nam ngay cả khi không có Mỹ.

Sự vắng mặt của Mỹ không phải là kết thúc
 Bà Virginia Foote - cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt.
Tôi rất kỳ vọng TPP-11 sẽ tiếp tục tiến triển, 11 quốc gia có thể kết thúc đàm phán và ký thông qua, đưa TPP-11 trở thành thỏa thuận thương mại chính thức và có hiệu lực. Cần lưu ý rằng, thiết kế của TPP là một thỏa thuận mở mà các quốc gia đều có thể tham gia, không chỉ với Mỹ mà với cả nhiều quốc gia châu Á khác. Vì thế, khi TPP-11 khởi đầu, sau đó sẽ là TPP-12, TPP-13 hay thậm chí là TPP-14, không chỉ với Mỹ mà còn với nhiều quốc gia Đông Nam Á, châu Á khác như Hàn Quốc cũng đang tỏ ý quan tâm. Nhưng bước đầu tiên là hoàn tất TPP-11. Tôi hy vọng điều này sẽ sớm xảy ra
Với Việt Nam, quan hệ thương mại Việt Nam và Mỹ đang ngày càng lớn mạnh trong thời gian gần đây. Rất nhiều công ty Mỹ đang ở đây và họ sẽ không đi đâu cả. Việt Nam cũng có đối tác thương mại là EU và nhiều quốc gia châu Á khác. Không quốc gia nào muốn chỉ có một đối tác thương mại duy nhất. Sẽ rất mạo hiểm nếu bạn chỉ tập trung vào một đối tác duy nhất. TPP-11 có Nhật Bản, Canada,  Peru... và có lợi cho Việt Nam ngay cả khi không có Mỹ.
Bà Virginia Foote - cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt
Kỳ vọng tăng tốc thực thi CPTPP
Việc 11 nước thành viên TPP-11 đã đạt được thỏa thuận căn bản và đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một động thái tích cực, phản ánh tiến trình hội nhập liên kết trong khu vực.
 Ông Võ Trí Thành - Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương.
Đặc biệt, với một hiệp định thương mại chất lượng cao, quá trình đàm phán có nhiều thách thức, tác động với mỗi nước là khác nhau nhưng 11 thành viên đều nỗ lực đàm phán lại giữ tinh thần chất lượng cao của hiệp định này. Ngoài ra, theo dự kiến ban đầu, sẽ có khoảng 40 - 50 điều khoản tạm hoãn nhưng nay rút xuống chỉ còn 20 điều, cho thấy tinh thần tích cực của tất cả 11 nước và khẳng định, tinh thần hội nhập liên kết khu vực, tự do thương mại vẫn là chủ đạo.
Vế vấn đề thực thi, việc CPTPP được phép có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất 6 nước ký thông qua không phụ thuộc vào tỷ trọng GPD trong các nước thành viên đặt ra kỳ vọng tăng tốc thực thi của hiệp định mới.
Quan trọng hơn, TPP là một hiệp định thương mại chất lượng cao, tác động của hiệp định không chỉ liên quan đến vấn đề tiếp cận thị trường, tự do hóa dịch vụ, thương mại mà còn gắn với cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế.
Ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế
TPP không nên chỉ dừng lại ở 11 nước
Chính phủ 11 nước dường như đã cứu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này hồi đầu năm khi chính thức cho ra đời Hiệp định Đối tác  CPTPP
Các nước xứng đáng có được sự khen ngợi hơn nữa nếu có thể đưa thỏa thuận này tiến xa hơn. Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia và Philippines chưa phải thành viên nhưng các nước này đều bày tỏ mong muốn tham gia vào hiệp định này.
Mở rộng ra thành TPP-16 sẽ tăng các lợi ích kinh tế một cách đáng kể cho các bên liên quan. Điều này có thể khiến Mỹ nhìn thấy lợi ích tốt nhất nằm ở đâu và thuyết phục nước này quay lại thỏa thuận thương mại mà chính nước này khởi xướng.
Mặc dù quyết định rút khỏi TPP của Mỹ đã làm giảm lợi ích kinh tế xuống gần một nửa nhưng lợi thế mà TPP-11 mang lại vẫn rất rõ ràng, nhất là với các quốc gia như Malaysia, Singapore và Brunei có thể xuất khẩu nhiều hơn đến các thị trường còn lại.
Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ dàng. TPP-11 vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết trước khi chính thức phê chuẩn. Nhật Bản sẽ dẫn đầu nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Thái Lan và Indonesia gia nhập. Và các thành viên TPP cũng đảm bảo rằng, Trung Quốc cũng được chào đón nếu nước này đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của hiệp định.
David Shipley - biên tập viên hãng Bloomberg