Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có gì ở cuộc gặp Nga-Mỹ tại Ả rập Saudi?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các phái đoàn cấp cao của Nga và Mỹ sẽ hội đàm tại Ả Rập Saudi trong nỗ lực phục hồi quan hệ ngoại giao và mở đường cho việc giải quyết xung đột ở Ukraine.

Các cuộc đàm phán, dự kiến bắt đầu vào thứ Ba tại thủ đô Riyadh của Ả rập Saudi, đã được đề xuất trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút vào tuần trước giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thành phần tham gia đàm phán

Cả Nga và Mỹ đều đã cử các nhà ngoại giao và quan chức ngoại giao hàng đầu của họ đến Ả rập Saudi. Phái đoàn Nga do Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov và Yury Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của Putin, dẫn đầu. Phía Mỹ được đại diện bởi Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Steve Witkoff, Đặc phái viên Trung Đông. Không có nhà ngoại giao Ukraine hay EU nào tham gia cuộc họp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Osaka, Nhật Bản vào năm 2019. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Osaka, Nhật Bản vào năm 2019. Ảnh: TASS

Một số cơ quan truyền thông phương Tây đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự vắng mặt của Keith Kellogg, Đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga, trong phái đoàn Mỹ.

Mục tiêu của Nga

Theo ông Lavrov, Nga tham gia các cuộc đàm phán chủ yếu để "lắng nghe" quan điểm của Mỹ về cuộc xung đột Ukraine và nối lại đối thoại song phương, vốn đã bị đóng băng trong ba năm qua. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc họp sẽ tập trung vào việc khôi phục toàn bộ mối quan hệ Nga-Mỹ cũng như chuẩn bị cho các cuộc đàm phán có thể có về giải pháp cho vấn đề Ukraine và đặt nền tảng cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin.

Moscow khẳng định họ không tìm kiếm lệnh ngừng bắn tạm thời mà muốn một giải pháp toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột Ukraine, giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Các quan chức Nga nhấn mạnh trong bất kỳ giải pháp nào, Ukraine phải đồng ý trung lập, phi quân sự hóa và công nhận thực tế lãnh thổ hiện tại. Ông Lavrov cũng khẳng định Nga không có ý định nhượng bộ lãnh thổ cho Ukraine.

Lập trường của Mỹ

Ngoại trưởng Marco Rubio, người đã trao đổi với ông Lavrov qua điện thoại vào thứ Bảy trước khi đến Ả rập Saudi, nhấn mạnh cuộc gặp nhằm mục đích khôi phục liên lạc với Nga. Ông không tiết lộ liệu Mỹ có cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga hay không nhưng khẳng định chỉ riêng cuộc gọi Trump-Putin không thể giải quyết một cuộc chiến phức tạp như thế này và cần có thêm các cuộc đàm phán.

Sau cuộc gọi với ông Putin, ông Trump cho rằng khả năng Ukraine gia nhập NATO là không thực tế và nhận định Kiev có ít cơ hội giành lại lãnh thổ đã mất vào tay Nga trong thập kỷ qua. Ông cũng đề cập đến khả năng ông Volodymyr Zelensky sẽ phải tổ chức bầu cử để giải quyết tình hình chính trị trong nước.

Ukraine và EU không tham gia

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận ông không được mời tham dự các cuộc đàm phán ở Riyadh. Ông nhấn mạnh Kiev sẽ coi bất kỳ cuộc thảo luận nào về Ukraine mà không có Ukraine là vô hiệu. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đang chuẩn bị thăm Ả rập Saudi, nhưng chuyến đi của ông không chính thức liên quan trực tiếp đến cuộc họp sắp tới.

Mỹ cũng đã ám chỉ các cường quốc EU sẽ không có mặt tại cuộc đàm phán, làm dấy lên lo ngại rằng lập trường của EU về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể bị bỏ qua. Tuy nhiên, ông Kellogg đã tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo châu Âu bằng cách khẳng định điều này không có nghĩa lợi ích của họ không được xem xét. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ không loại trừ Ukraine khỏi cuộc đối thoại.

Trong bối cảnh này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo tại Paris vào thứ Hai, tập trung vào Ukraine và các thách thức an ninh ở châu Âu. Cuộc họp dự kiến có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch, cùng với các quan chức cấp cao của EU và Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Hội nghị thượng đỉnh này dự kiến sẽ bao gồm các cuộc tham vấn về việc tiếp tục viện trợ và đảm bảo an ninh cho Kiev, trong đó Thủ tướng Anh Keir Starmer đã ám chỉ nước này sẵn sàng gửi quân đến Ukraine trong trường hợp cần thiết.