Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ được biết đến với những di khảo cổ học quan trọng hay bãi biển cát vàng quanh năm rì rào sóng vỗ, mà còn nổi tiếng với cánh đồng muốt bát ngát nằm dọc theo Quốc lộ 1A, thuộc phường Phổ Thạch và cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 60km về phía Nam.
Có diện tích khoảng 105ha, đồng muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh) là vựa muối lớn nhất miền Trung. Nghề làm muối tạo sinh kế chính cho hơn 500 diêm dân thuộc 3 tổ dân phố là Tân Diêm, Thạnh Đức 1 và Long Thạnh 1. Hàng năm, Sa Huỳnh cung cấp cho thị trường từ 6.000 - 6.500 tấn muối.
Theo các nhà sử học, nghề muối Sa Huỳnh được hình thành từ thế kỷ 19 và được tiếp nối qua các thế hệ, gìn giữ đến ngày nay, trở thành nghề truyền thống đặc trưng của cư dân Sa Huỳnh.
Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của thị xã Đức Phổ- cửa ngõ phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, thêm vào đó là Văn hóa Sa Huỳnh trở thành di tích Quốc gia đặc biệt, đồng muối Sa Huỳnh bắt đầu trở thành một trong những điểm đến được du khách lựa chọn. Điều này đồng thời mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch cộng đồng, tạo thêm thu nhập cho diêm dân.
Ông Ngô Nhựt (tổ dân phố Tân Diêm, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cho hay: “Thỉnh thoảng một vài đoàn khách nước ngoài dừng lại thăm đồng muối, bà con ở đây thích lắm. Nghe du khách bảo, ở Pháp cũng có cánh đồng muối truyền thống như Sa Huỳnh và là điểm du lịch nổi tiếng Châu Âu”.
Tâm huyết với muối Sa Huỳnh, bà Phạm Thị Hồng Thắm – Công ty TNHH MTV Muối Sahu cho rằng, trên đồng muối Sa Huỳnh nên tạo ra tour du lịch tìm hiểu về mô hình ruộng muối phơi nước truyền thống.
Du khách sẽ được học tập, nghiên cứu về hệ sinh thái trên đồng muối và tác động của chúng tới môi trường, kế sinh nhai của người dân địa phương. Họ cũng được trải nghiệm làm muối hạt, hoa muối, ngắm bình minh và hoàng hôn trên đồng muối.
Kết hợp đồng muối với một số địa điểm du lịch nổi tiếng xung quanh như: bãi biển Sa Huỳnh, nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh hay làng gốm cổ truyền, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ..., tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.
“Làm du lịch cộng đồng sẽ tạo thêm thu nhập, công ăn việc làm cho người dân địa phương, thu hút người trẻ về quê làm kinh tế. Đồng thời, nâng cao giá trị hạt muối Sa Huỳnh, đưa nơi đây trở thành địa điểm du lịch cần được giữ gìn, bảo tồn và mang tính kế thừa”- bà Thắm nói.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh-Chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, thiên nhiên đã ban tặng cho khu vực ven biển Sa Huỳnh tiềm năng to lớn. Bên cạnh đó, kho tàng văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển rất phong phú, đa dạng.
“Cảnh quan thiên nhiên nơi đây có những lợi thế để phát triển đầy đủ các loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, du lịch tham quan tìm hiểu, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng”- Tiến sĩ Trinh bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, qua quá trình nghiên cứu, điều tra khảo sát về các điều kiện, tiêu chí xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng trên đồng muối truyền thống Sa Huỳnh cho thấy, nơi đây có các điều kiện và tiêu chí để phát triển du lịch cộng đồng như điều kiện tài nguyên du lịch; điều kiện cộng đồng dân cư.
Ông Đỗ Tâm Hiển- Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với xu hướng hiện nay. Do đó, ngoài Gò Cỏ, chính quyền địa phương sẽ lựa chọn và đầu tư xây dựng thêm một số điểm du lịch cộng đồng khác trong khu vực Sa Huỳnh để đẩy mạnh thương hiệu về du lịch cộng đồng cho Đức Phổ.