Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu Tesla bị bán tháo, chứng khoán Mỹ rớt thảm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên ngày 20/4 do nhà đầu tư thất vọng với kết quả kinh doanh kém khả quan của Tesla và lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên 20/4. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên 20/4. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên này, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,8% xuống còn 12.059,56 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 110,39 điểm (tương đương 0,33%) về mức 33.786,62 điểm, còn chỉ số S&P 500 giảm 0,6% còn 4.129,79 điểm.

Tính đến phiên ngày 20/4, cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều đang trên đà chứng kiến tuần giảm điểm, và là tuần giảm mạnh nhất của cả Dow Jones và S&P 500 kể từ tháng 3/2023. Chỉ số S&P 500  hiện mất khoảng 0,2% từ đầu tuần, trong khi Nasdaq Composite mất khoảng 0,5%. Dow Jones cũng giảm 0,3% và sắp chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp.

Chiến lược gia cổ phiếu Anna Han của Wells Fargo Securities nhận định với đài CNBC: “Tính đến thời điểm hiện tại, dường như cổ phiếu đã hồi phục, tâm lý nhà đầu tư vẫn ổn định và mức độ biến động giá cổ phiếu đang giảm dần. Tuy nhiên, câu chuyện chung của các doanh nghiệp là biên lợi nhuận đang chịu áp lực và tiếp tục giảm”.

Những lo ngại ngày càng lớn về áp lực giảm biên lợi nhuận đã tác động tiêu cực tới cổ phiếu Tesla khi tập đoàn xe điện này liên tục giảm giá bán nhiều dòng xe trong quý vừa qua. Báo cáo tài chính quý I cho thấy lợi nhuận ròng của Tesla giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu Tesla đóng cửa với mức giảm gần 10%.

Nhiều cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng đóng cửa phiên trong sắc đỏ  gồm: Nvidia, Microsoft, Meta Platforms, và Apple.

Năng lượng cũng là một lĩnh vực suy yếu khác trên thị trường Phố Wall khi giá dầu giảm hơn 2%. Một số cổ phiếu đỏ lửa bao gồm APA, Marathon Oil và Phillips 66.

Kết quả kinh doanh gây thất vọng của nhà mạng viễn thông AT&T và công ty dịch vụ thanh toán American Express làm gia tăng thêm mối lo của giới đầu tư về sức khoẻ nền kinh tế. Cổ phiếu American Express mất 1% vì lợi nhuận thấp hơn dự báo. Cổ phiếu AT&T giảm 10,4% do nỗi lo về sư suy giảm tăng trưởng thuê bao.

Tính đến thời điểm này của mùa báo cáo tài chính quý I, khoảng 16% trong số các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh. Trong đó, 76% đạt lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao hơn dự báo, theo dữ liệu từ FactSet. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp tránh đưa ra dự báo lợi nhuận cho các quý còn lại trong năm đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, cho rằng thử thách thực sự của thị trường cổ phiếu có thể sẽ đến vào tuần sau khi hàng loạt doanh nghiệp, bao gồm các công ty công nghệ vốn hóa lớn, thông báo kết quả kinh doanh. 

Trong khi đó, loạt dữ liệu kinh tế mới được công bố gần đây dường như báo hiệu kinh tế Mỹ đang giảm tốc và khả năng suy thoái lớn  hơn so với dự báo. Chỉ số ngành sản xuất của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ở Philadelphia giảm mạnh hơn kỳ vọng và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng trong tuần trước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed tại Cleveland, Loretta Mester ngày 20/4 cho biết Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai do lạm phát vẫn ở mức cao.

Thêm vào những lo lắng, chi phí bảo hiểm rủi ro nợ công của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011, do những lo lắng của thị trường rằng chính phủ có thể đạt trần nợ sớm hơn dự kiến.

Bank of America hôm thứ Năm cảnh báo việc tăng trần nợ công của chính phủ Mỹ có thể làm đảo lộn thị trường tài chính. Trước đó, hôm 19/4, ông Kevin McCarthy - Chủ tịch Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số, đã đề xuất trước Quốc hội dự luật cho phép nâng trần nợ công quốc gia thêm 1.500 tỷ USD, vấn đề vốn đang gây tranh cãi giữa hai đảng trong Quốc hội Mỹ.