Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đang dần trở thành công cụ đắc lực nhằm kết nối người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ngay từ năm 2019, Nghị quyết số 17/NQ-CP đã đề ra hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, xác định xây dựng theo hướng “nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn” và “kỷ luật sắt trong tổ chức thực hiện”.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, trong những năm qua Chính phủ đã có sự thay đổi rõ rệt trong công tác điều hành, xây dựng CPĐT và đạt được nhiều kết quả nổi bật, điều này có thể thấy rõ qua việc Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) đang dần trở thành cầu nối đắc lực giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia đang là công cụ đắc lực kết nối người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia đang là công cụ đắc lực kết nối người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.

Chính thức khai trương và vận hành vào tháng 12/2019, sau hơn 2 năm hoạt động, Cổng DVCQG đã phát triển vượt bậc cả về số lượng dịch vụ công cũng như nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của người dân và doanh nghiệp nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin.

Tính đến hiện tại Cổng DVCQG đang cung cấp 3.096 dịch vụ công trực tuyến với 1696 dịch vụ dành cho công dân và 1.688 dịch vụ dành cho doanh nghiệp. Số lượng tài khoản đăng ký cũng đạt tới mức ấn tượng là 1 triệu cùng với số hồ sơ đồng bộ trạng thái là 72 triệu hồ sơ.

Bên cạnh đó, cũng đã có 100% Bộ, ngành, địa phương; 8 Tập đoàn, Tổng công ty, công ty; 15 Ngân hàng, trung gian thành toán kết nối với Cổng DVCQG. Số giao dịch trên Cổng là 116.000 với tổng số tiền 258 tỷ đồng cho các dịch vụ thanh toán: Phí, lệ phí, BHXH, BHYT, án phí...

Cùng với việc kết nội, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với những hệ thống quan trọng khác như Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do đó Cổng DVCQG đã đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến thực chất hơn, hiệu quả hơn cũng như thời gian được rút ngắn hơn đáng kể. Theo ước tính, Cổng DVCQG đã giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 3.000 tỷ đồng/năm.

Cũng chính tại giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, Cổng DVCQG đã thể hiện rõ nét vài trò của mình khi gúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các TTHC thuận tiện thông qua môi trường trực tuyến thay vì phải tiếp xúc ngoài đời thực như trước đây. Có thể kể đến như chuỗi 8 dịch vụ công nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp phải khó khăn do Covid-19.

Những dịch vụ trên không chỉ giúp người lao động và sử dụng lao động có thể ngồi một chỗ nhưng vẫn thực hiện được các TTHC liên quan tới quyền lợi của mình mà cũng dần thay đổi ý thức trong đại bộ phận người dân khi chuyển dần thói quen làm việc với cơ quan nhà nước từ ngoài đời lên môi trường mạng. Đây chính là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra khi Việt Nam bắt tay vào quá trình xây dựng CPĐT.

Nói về phương hướng phát triển của Cổng DVCQG trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, Cổng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong giải quyết TTHC. Các giải pháp sẽ được xoay quanh yếu tố cốt lỗi “Lấy con người là trung tâm; cải cách dẫn dắt; công nghệ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy”.

Quá trình chuyển đổi số nói trên sẽ tập trung vào việc phát triển các nền tảng dùng chung trên Cổng DVCQG như cơ sở dữ liệu TTHC, thanh toán trực tuyến, tiếp nhận xử lý kiến nghị … để tăng tăng cường việc kết nối, tích hợp, chia sẻ, giảm chi phí đầu tư trùng lặp, chồng chéo.

Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số chính là phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Đối với giải quyết TTHC thì việc nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá kết quả của chuyển đổi số, ông Ngô Hải Phan khẳng định.

“Đầu tàu” cho xã hội không tiền mặt

Mới đây, Chính phủ đã thông qua Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu kết thúc 3 năm tới, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt của người dân sẽ gấp 25 lần GDP. Đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Trong đó, Cổng DVCQG được xác định là vai trò “đầu tàu” cho quá trình trên khi phương thức thanh toán chính cho các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 sẽ là điện tử thông qua tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán. Các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị được khuyến khích phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện,... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, hàng loạt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt qua Cổng DVCQG đã được xác định: Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, Cổng DVCQG đang được tích hợp thanh toán điện tử cho nhiều dịch vụ như: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nộp thuế cá nhân; Thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; Kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; Đóng bảo hiểm xã hội… Theo đó, chỉ với một vài thao tác đơn giản trên máy điện thoại như người dân và doanh nghiệp đã thực hiện xong thanh toán thay vì phải ngồi chờ đến lượt nộp tiền mặt như những lần thực hiện TTHC trước đây. 

Đáng chú ý, phương thức thanh toán này đã nhận được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp vì tính tiện lợi. Cụ thể, trong tháng 6-7/2021, giữa giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thông qua Cổng DVCQG đã có tới hơn 7.000 giao dịch cho dịch vụ công trực tuyến được thực hiện thành công với tổng số tiền là 25 tỷ đồng. Cần chú ý, con số trên đã gấp nhiều lần so với 5 tỷ đồng/tháng mà các giao dịch tương tự có được trong giai đoạn từ tháng 3 - 8/2020.

Được biết, nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG đã được kết nối tới hầu hết các tài khoản tại các ngân hàng, cho phép mở rộng mạng lưới thanh toán trực tuyến đối với phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết TTHC của cá nhân, doanh nghiệp. Số lượng giao dịch trực tuyến các TTHC công tại các ngân hàng như: Vietcombank, HDBank... cũng đang có mức tăng trưởng mạnh trên 50%/năm.

Đánh giá về vai trò của Cổng DVCQG với mục tiêu một Việt Nam không sử dụng tiền mặt, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, đây là lĩnh vực luôn được chú trọng và mở rộng. Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức cung ứng dịch vụ công, ngân hàng, trung gian thanh toán để mở rộng, phát triển các hình thức thanh toán điện tử mới tiện lợi, an toàn qua đó thỏa mãn nhu cầu của người dùng.

Đến nay, hầu hết các tổ chức cung ứng dịch vụ công trên Cổng DVCQG đã thực hiện liên kết thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động với các trung gian thanh toán, các ngân hàng, giúp cho việc thanh toán tiện lợi hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Với việc thực hiện thanh toán trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể giảm được 3 lần đi lại trực tiếp tới các cơ quan Nhà nước.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Qua đó, mở rộng sản phẩm dịch vụ cũng như kết nối giữa các ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ công, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.