Chia sẻ với CNBC, các nhà phân tích khẳng định, khi nói đến chất bán dẫn, Trung Quốc cần Đài Loan nhiều hơn là ngược lại. Bắc Kinh đã ngừng một số hoạt động thương mại liên quan tới Đài Loan trong tháng này sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Đáng chú ý, các lệnh cấm không đụng tới vấn đề thiết bị điện tử. Đài Loan là cứ điểm của hơn 90% công suất sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, theo báo cáo năm 2021 của Boston Consulting Group.
Vai trò quan trọng của “cứ điểm chip” tại Đài Loan
Một trong những điểm đến của bà Pelosi trong chuyến thăm Đài Loan là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip quan trọng và lớn nhất thế giới. Chip là một phần không thể thiếu của nhiều sản phẩm – từ tiêu dùng đến máy bay quân sự.
Mehdi Hosseini, nhà phân tích phần cứng công nghệ cao tại Tập đoàn đầu tư Susquehanna cho biết: “Nếu nhìn vào các yếu tố thúc đẩy nhu cầu đời sống, từ cơ sở hạ tầng đám mây, xe điện, thế hệ tiếp theo của các cơ sở công nghiệp, tất cả đều cần có chip được sản xuất tại TSMC”. Tuy nhiên chỉ 10% doanh thu của TSMC đến từ Trung Quốc, trong khi hơn một nửa doanh thu đến từ Mỹ.
Chip nội địa Trung Quốc ở đâu?
Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực xây dựng nền công nghiệp chip trong vài năm gần đây, với các chính sách hỗ trợ thu hút dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực này. Một trong những gã khổng lồ chip của Trung Quốc được nhắc đến gần đây là Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn quốc tế (SMIC).
Tuy nhiên, SMIC đã mất 15 năm để đạt được vị trí của TSMC 10 năm trước, chuyên gia Hosseini nhận định với CNBC. “Trung Quốc không có khả năng tiếp cận các thiết bị tiên tiến hàng đầu. Sẽ mất một thời gian dài họ gây dựng được bí quyết kỹ thuật”, ông cho biết.
Công việc kinh doanh của TSMC vẫn vững mạnh. Công ty, là nhà cung cấp lớn của Apple, đã báo cáo doanh thu quý II/2022 chạm mốc 18 tỷ USD, tăng hơn 40% so với một năm trước. Điều đó cho thấy TSMC có quy mô lớn hơn nhiều với SMIC – tập đoàn báo cáo doanh thu trong cùng quý là 1,9 tỷ USD – dù mức này đã tăng hơn 40% so với một năm trước.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ về cơ bản đã cấm các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc là Huawei và SMIC sử dụng công nghệ của Mỹ, bao gồm cả thiết bị sản xuất chip của họ.
Điều đó đồng nghĩa, kể từ cuối năm 2020, TSMC đã ngừng sản xuất chất bán dẫn cho Huawei. Theo David Hsu, phó giám đốc tại S&P Global Ratings, doanh thu tại Trung Quốc của TSMC đã tăng từ năm 2018 đến năm 2020 lên gần 20% tổng doanh thu. Tuy nhiên vào năm 2021, tỷ lệ tiếp xúc của TSMC với Trung Quốc giảm trở lại khoảng 10% tổng doanh thu, tương tự như mức đã thấy trong năm 2017.
Mỹ tìm điểm cân bằng
Mỹ cũng đang cố gắng củng cố khả năng tiếp cận với công nghệ bán dẫn quan trọng. Trong tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Dự luật CHIPS trong đó cung cấp các khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất chip để sản xuất ở Mỹ. Các nhà phân tích của Quỹ Bernstein nhận định, Luật trên sẽ có tác động tích cực với hoạt động của TSMC.
Về mặt chiến lược, TSMC đặt mục tiêu đa dạng hóa cơ sở khách hàng nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng quy mô, đồng thời sẽ cố gắng giữ vị trí trung lập trong sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc. Với nền tảng đó, TSMC có thể sẽ vẫn tiếp tục mở rộng công suất ra nước ngoài trong vài năm tới ngay cả với sự khuyến khích của Đạo luật CHIPS, báo cáo của Quỹ cho biết. TSMC đang chi 12 tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Arizona. Tại Trung Quốc đại lục, công ty hoạt động ở Thượng Hải và Nam Kinh.