Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 3/12 do báo cáo việc làm tháng 11 gây thất vọng và nỗi lo ngại liên quan đến biến thể Omicron.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 59,71 điểm, về mức 34.580,08 điểm khi cổ phiếu thành viên Boeing sụt 1,9%. Chỉ số này có thời điểm trong phiên lao dốc hơn 300 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 mất 0,8% xuống còn 4.538,43 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng giảm 1,9% và khép phiên còn 15.085,47 điểm.
Công nghệ là một trong những nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên sàn Phố Wall do bị bán tháo trong phiên giao dịch khi Tesla sụt 6,4% và Zoom Video giảm gần 4,1%. DocuSign cũng hạ 42,2% sau khi công ty này công bố dự báo doanh thu quý IV thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Ngày 3/12, Bộ Lao động Mỹ cho biết số việc làm phi nông nghiệp tháng 11 chỉ tăng 210.000 so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức 573.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giảm từ 4,6% còn 4,2%, khả quan hơn ước tính 4,5% của Dow Jones.
“Những bất ổn liên quan đến biến thể Omicron còn cao, cùng với nỗi thất vọng về số liệu việc làm đã khiến nhà đầu tư quyết định bán tháo trước 2 ngày nghỉ cuối tuần”, ông Ryan Detrick, chiến lược gia trưởng tại LPL Financial, nhận định.
Những số liệu trên tác động đến kỳ vọng của nhà đầu tư liên quan việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) siết chính sách. Chủ tịch Jerome Powell tuần này nói ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cân nhắc tăng tốc thu hồi chương trình mua trái phiếu, dấy lên đồn đoán lãi suất sớm tăng trở lại.
“Báo cáo việc làm không đủ để ngăn FED tăng tốc thu hẹp gói hỗ trợ kinh tế và có thể tăng lãi suất nhanh hơn thị trường dự đoán”, theo Steve Sosnick, giám đốc chiến lược tại Interactive Brokers.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn lo ngại biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn Delta. Số quốc gia ghi nhận có Omicron tiếp tục tăng và hiện chưa rõ độc lực của biến chủng này cũng như mức độ bảo vệ của các vaccine Covid-19 hiện có. Biến thể Omicron hiện đã được phát hiện ở 5 tiểu bang của Mỹ, với các triệu chứng nhiễm bệnh nhẹ.
Phản ánh rõ nhất sự lo ngại của nhà đầu tư là thước đo sợ hãi Phố Wall CBOE VIX, có lúc vượt 35 điểm lần đầu tiên kể từ cuối tháng 1. VIX sau đó đảo chiều, đóng cửa tăng 9,7 điểm lên 30,67 điểm.
Bất chấp đà phục hồi mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm khi Dow Jones tăng hơn 600 điểm, chỉ số này chốt tuần vẫn giảm 0,9%. Tính chung trong tuần, S&P 500 giảm 1,2%, và Nasdaq Composite mất 2,6%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Barclays khuyến nghị nhà đầu tư vững tin và mua bắt đáy. "Chúng tôi duy trì quan điểm rằng tình hình vĩ mô và thanh khoản vẫn ủng hộ cho cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị mua thêm khi thị trường đi xuống và đợi đến khi thị trường giá lên quay trở lại" – chuyên gia Emmanuel Cau của Barclays nhận định./.