Vương quốc Anh là nơi khởi nguồn cho Giải đua Công thức 1 (F1). Trước việc Hà Nội chuẩn bị đăng cai sự kiện này, báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Anh Gareth Ward về cảm nhận của ông cũng như kinh nghiệm tổ chức của London.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward. |
Cảm nhận của ông trước việc Hà Nội sẽ đăng cai giải đua xe Công thức 1 (F1) lần đầu vào tháng 4/2020?
Hà Nội nằm trong số những thành phố đầu tiên của một quốc gia thu nhập trung bình tổ chức sự kiện này. Giải đua này gắn liền với Vương quốc Anh, với gần 70% các đội đua F1 tới từ Anh. Do đó, tôi thực sự háo hức, ấn tượng khi Hà Nội có cơ hội và tham vọng để chạy một đường đua xung quanh thành phố. Tôi cũng cảm nhận được không khí thể thao sau rất nhiều sự kiện đã diễn tại đây. Bản thân tôi cũng từng trực tiếp xem bóng đá tại các sân vận động trên thành phố.
Theo Đại sứ, sự kiện này sẽ đem lại những thay đổi gì cho Hà Nội?
Có thể nói, Hà Nội đang ngày càng mở cửa với thế giới, với du khách và doanh nghiệp; hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa. Đó là cảm nhận của tôi sau chỉ sau 7 tháng nhận nhiệm kỳ Đại sứ. Thời gian không dài nhưng đủ để tôi chứng kiến rất nhiều sự kiện diễn ra tại đây, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần II vừa qua. Tôi thấy Hà Nội là “chủ nhà lý tưởng”cho nhiều sự kiện.
Sự kiện thể thao này ngang tầm với Olympic hoặc World Cup, đồng thời thu hút lượng lớn khán giả trên toàn cầu. Việc đăng cai Giải đua Công thức 1 là cơ hội để xây dựng “thương hiệu Hà Nội” với thế giới.
Trước đây khi theo dõi F1 tại Singapore, tôi cảm nhận được không khí tuyệt vời khi cả thành phố trở thành một đường đua, một bữa tiệc lớn và thế giới đổ dồn sự chú ý về Singapore lúc đó. Đây là phương thức tuyệt vời để quảng bá hình ảnh và giờ cơ hội tương tự đến với Hà Nội.
Hà Nội đã dang tay và mở rộng tầm nhìn với thế giới. Với việc tổ chức Giải đua xe Công thứ 1 (F1), thành phố minh chứng cho một đô thị châu Á năng động, đóng vai trò lãnh đạo dẫn dắt, đổi mới về công nghệ tại châu Á. Việc tổ chức thành công F1 sẽ giúp Hà Nội được nhận diện là một thành phố đổi mới, công nghệ cao trong khu vực.
Sơ đồ đường đua F1 tại Hà Nội. |
Đại sứ có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm từ London cho quá trình tổ chức sự kiện này?
Tất nhiên, tổ chức F1 không hề đơn giản, không chỉ về cơ sở vật chất, phương thức quảng bá, mà còn về quá trình xây dựng hệ thống vé, sự đón tiếp cùng các sự kiện giải trí bên lề. Trong vòng 3 ngày của Giải đua xe, nhiều sự kiện vào buổi tối như hòa nhạc, sự kiện văn hóa có thể diễn ra. UBND TP Hà Nội cùng các doanh nghiệp liên quan tới sự kiện như Vingroup chắc chắn có sự chuẩn bị và học hỏi kinh nghiệm từ những nhà tổ chức F1 trước đó như Vương quốc Anh, Australia hay Singapore.
Về phần Vương quốc Anh, chúng có rất nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ. Cho đến nay các bạn vẫn còn 1 năm nữa, và đây là thời điểm công tác chuẩn bị bắt đầu, ý tôi không phải chỉ xây dựng về “phần cứng” mà còn là “phần mềm” – đó là con người và dịch vụ.
Theo tôi, các doanh nghiệp Anh rất có kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị “phần mềm” của F1. Chúng tôi cũng chuyên về xây dựng các cơ sở vật chất ngắn hạn như hệ thống điện, cơ sở vật chất hay hạ tầng bởi với sự kiện như F1, các công trình sử dụng trong vòng 1 tuần giải đua diễn ra là rất cần thiết. Vấn đề an toàn cũng cần được lưu ý, bởi đua xe là môn thể thao mạo hiểu, cần giảm thiểu tối đa các rủi ro trên đường đua, để đảm bảo thành công của sự kiện.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải lan tỏa độ phủ sóng trên truyền thông quốc tế, giống như việc thành phố của các bạn đã trở thành tiêu điểm của mọi tờ báo trên thế giới trong thời điểm Hội nghị Trump-Kim vừa qua. Giờ, Hà Nội cần xuất hiện trên trang cuối của mọi từ báo (nơi mục thể thao thường xuất hiện) trong 3 ngày diễn ra F1.
Hà Nội vốn được biết đến với nét đẹp cổ kính, hòa bình; vậy một sự kiện thể thao lớn như F1 sẽ thay đổi ấn tượng của thế giới về TP này như thế nào?
10 năm trước, chỉ có khoảng 70.000 – 80.000 người Anh tới Việt Nam mỗi năm. Năm 2018, con số này tăng lên 300.000. Có thể thấy, hình ảnh và sức hút của Việt Nam đang tăng lên, du khách đang ngày càng yêu quý Hà Nội.
Có một series chương trình truyền hình của Anh, trong đó ekip diễn viên đã tới Hà Nội để thực hiện và rất được yêu thích thời gian qua. Đến với Hà Nội, người ta yêu ẩm thực đường phố, khu phố cổ và nhất là năng lượng của thành phố này. Với F1, hình ảnh Hà Nội không bị giới hạn bởi những ấn tượng đó, mà TP sẽ còn nổi lên như một điểm đến của thể thao và phát triển kinh tế. Như vậy, Thủ đô Hà Nội sẽ được biết với cả 2 phương diện, một truyền thống và một hiện đại.
Hà Nội khác với những thành phố ông từng tới công tác và sinh sống như thế nào?
Tôi đã tới rất nhiều thành phố châu Á, chứng kiến sự phát triển kinh tế nhanh chóng và những kiến trúc nội đô tuyệt vời, nhưng một số giá trị lịch sử lại có phần mai một. Hà Nội thì khác, các bạn vẫn lưu giữ được những giá trị riêng. Trong khi vùng ngoại ô phát triển nhanh chóng với những tòa nhà hiện đại, khu vực trung tâm vẫn được bảo tồn. Đặc biệt, ý tưởng về khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thật tuyệt vời. Theo tôi, đó có thể là hình mẫu cho những khu vực khác ở thành phố.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Ngày 29/8/2018, tại Vương quốc Anh, UBND TP Hà Nội đã chính thức ký kết hợp đồng với Tập đoàn Formula One về việc đăng cai tổ chức Giải với thời hạn là 10 năm bắt đầu từ năm 2020, đường đua được xác định tại Khu liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Và chiều 7/11/2018, sự kiện Hà Nội chính thức là nước thứ 22 trên thế giới đăng cai Giải F1 với tên gọi “Hà Nội - Việt Nam” đã chính thức được công bố.