Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đắk Nông chú trọng cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng

Lê Cung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đắk Nông là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây sầu riêng với quy mô lớn, chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tăng trưởng “nóng” của loại cây này về diện tích và sản lượng đang đặt ra bài toán cần lời giải từ phía các cơ quan chức năng

Đắk R’Lấp là huyện có diện tích sầu riêng lớn của tỉnh Đắk Nông
Đắk R’Lấp là huyện có diện tích sầu riêng lớn của tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông chú trọng cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng phục vụ xuất khẩu

Đắk Nông là địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây sầu riêng với quy mô lớn, chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tăng trưởng “nóng” của loại cây này về cả diện tích lẫn sản lượng cũng đang đặt ra bài toán cần lời giải từ phía các cơ quan chức năng.

Để sản phẩm sầu riêng vươn ra thị trường xuất khẩu thì tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, việc sản xuất sầu riêng theo một quy trình đồng nhất và cấp mã vùng trồng để đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường các nước đang được các ngành chức năng của tỉnh tập trung triển khai.

Sầu riêng giúp người dân tăng thu nhập

Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng luôn được người dân và ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông tích cực thực hiện. Trong đó, cây sầu riêng được xem là lựa chọn hàng đầu. Thực tế sản xuất cũng đã chứng minh, trong khoảng 6 năm trở lại đây, cây sầu riêng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với những loại cây trồng khác.

Năm 2018, gia đình anh Phan Viết Cường (thôn 14, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tính Đắk Nông ) chuyển đổi hơn 3,2ha cây cà phê và cây điều kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Gia đình anh Cường chọn giống sầu riêng Dona có ưu điểm cơm vàng, hạt lép, ngon, được thị trường ưa chuộng. Tự mày mò và học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua sách báo và của những người đi trước, đồng thời, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, anh đã tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong niên vụ sầu riêng năm 2023, gia đình anh thu hoạch được hơn 50 tấn với giá bán hơn 60.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập hơn 3 tỷ đồng.

Huyện Đắk R’lấp là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây sầu riêng. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có trên 2.260 ha sầu riêng. Năng suất sầu riêng bình quân của huyện đạt 10 tấn/ha. Một số xã có diện tích trồng sầu riêng lớn là Nhân Cơ, Đắk Wer, Đắk Ru và  Quảng Tín.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk R’lấp, so với các loại cây trồng truyền thống khác tại địa phương, thì trồng sầu riêng giúp người dân tăng thu nhập lên gấp nhiều lần. Với 1ha sầu riêng kinh doanh cho thu nhập bình quân từ 500 - 700 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. 

Đắk R’Lấp là huyện có diện tích sầu riêng lớn của tỉnh Đắk Nông
Đắk R’Lấp là huyện có diện tích sầu riêng lớn của tỉnh Đắk Nông

Diện tích tăng “nóng”

Với những hiệu quả kinh tế vượt trội so với những loại cây trồng khác, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đua nhau mở rộng diện tích loại cây này. Theo quy hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh Ðắk Nông phát triển 5.000ha sầu riêng, nhưng đến thời điểm này, diện tích cây sầu riêng đã tăng hơn gấp đôi so với quy hoạch.

Tính đến hết năm 2023, diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt hơn 10.310ha, tăng 4.170ha so với năm 2022. Trong đó, diện tích trồng thuần là khoảng 4.000ha còn lại là diện tích trồng xen canh với các cây công nghiệp khác. Sầu riêng trồng ở các vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gồm 3 loại giống Monthong, Ri6, Musaking.

Năng suất sầu riêng bình quân của tỉnh Đắk Nông đạt khoảng 10 tấn/ha. Tổng sản lượng sầu riêng năm 2023 ước đạt trên 41.000 tấn. Giá sầu riêng trong thời gian qua dao động từ 55.000 - 85.000 đồng/kg đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhờ trồng sầu riêng mà người dân có cuộc sống khá giả nên hiện nay họ đang không ngừng đầu tư, mở rộng diện tích. Tuy nhiên, việc đảm bảo tiêu thụ sầu riêng trong bối cảnh diện tích và sản lượng đang tăng rất nhanh đã đặt ra bài toán cần giải quyết.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát Triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng phát triển nóng về diện tích và mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng... đang có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, điều này có thể làm phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới. 

Trước việc diện tích cây sầu riêng tăng mạnh thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người dân không tự ý mở rộng diện tích tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp. Đặc biệt lưu ý không chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới cây sầu riêng. Thay vào đó, người dân cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn để được cấp mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu xuất khẩu cũng như thị trường trong nước.

Cán bộ ngành nông nghiệp tuyên truyền người dân không tăng “nóng” diện tích mà cần quan tâm đến chất lượng của sản phẩm trái sầu riêng.
Cán bộ ngành nông nghiệp tuyên truyền người dân không tăng “nóng” diện tích mà cần quan tâm đến chất lượng của sản phẩm trái sầu riêng.

Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông tổ chức Diễn đàn sản xuất sầu riêng theo chuỗi giá trị gắn với mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông tổ chức Diễn đàn sản xuất sầu riêng theo chuỗi giá trị gắn với mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Cây sầu riêng đã cho người dân tỉnh Đắk Nông nguồn thu nhập tốt và diện tích đang ngày có xu hướng tăng. Do vậy để phát triển ổn định loại cây trồng này thì việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sẽ kỳ vòng tạo thêm dư địa tăng trưởng cho loại cây trồng này.

Để xuất khẩu được sầu riêng thì bắt buộc phải sản xuất theo một quy trình đồng nhất. Trong đó điều tiên quyết là phải được cấp mã số vùng trồng. Do vậy, trong thời gian qua, việc phát triển sầu riêng theo một quy trình đồng nhất và cấp mã vùng trồng đã và đang được các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông gấp rút thực hiện. 

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã cấp được 47 mã số phục vụ xuất khẩu cho các loại cây trồng. Riêng đối với cây sầu riêng có đến 36 mã số vùng trồng được cấp với diện tích hơn 859ha, sản lượng ước đạt trên 15.180 tấn.

Ông Lầu A Sy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành việc tất yếu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là “tấm vé thông hành” với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc của cây sầu riêng.

Với hơn 25ha sầu riêng được cấp chứng nhận mã số vùng trồng nên sản phẩm trái sầu riêng của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân trong năm 2023 được rất nhiều công ty, doanh nghiệp và vựa thu mua đặt vấn đề bao tiêu 100% sản lượng.

Hiện nay, các nước nhập khẩu sầu riêng nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung đều yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phải áp dụng những quy định về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật. Vì vậy, việc xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu.

Để không ngừng nâng cao chất lượng nông sản, tạo tính cạnh tranh cho cây sầu riêng của Đắk Nông, hiện nay, ngoài việc tích cực tham gia xây dựng mã số vùng trồng cho sầu riêng, thì các ngành chức năng cũng như người trồng sầu riêng tỉnh Đắk Nông cũng tích cực thay đổi quy trình sản xuất, hướng tới việc canh tác an toàn, bền vững. Đắk Nông cũng đang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm an toàn, sạch, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước- thị trường hơn 100 triệu dân./.