Nga có thể khởi động lại hoạt động mua ngoại tệ dự trữ vào tháng 5 do doanh thu năng lượng ngày càng tăng, giúp “ổn định” tài chính công, bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này, Bloomberg đưa tin hôm 3/5.
Bộ Tài chính dự kiến sẽ thông báo nối lại hoạt động mua bán ngoại hối vào cuối tuần này, hãng tin này cho biết. Khối lượng ban đầu dự kiến tương đương khoảng 200 triệu đô la, bằng Nhân dân tệ/tháng. Đồng tiền của Trung Quốc được coi là tài sản chính mà Nga có thể sử dụng cho các giao dịch để nạp vào quỹ tài sản quốc gia trị giá 154 tỷ USD.
Natalia Milchakova, nhà phân tích tại Freedom Holding, cho biết: “Điều quan trọng đối với thị trường là nhà nước bắt đầu tích lũy dự trữ trở lại thay vì chỉ chi tiêu. Điều này thậm chí có thể ảnh hưởng tích cực đến đồng rúp".
Nga đã ngừng mua ngoại hối vào cuối tháng 1/2022 và tiếp tục đình chỉ chương trình này sau khi xung đột bùng nổ ở Ukraine. Đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã nối lại hoạt động với ngoại tệ trong bối cảnh doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt tăng vọt. Động thái này là một phần của cơ chế ngân sách cải tiến được thiết kế để bảo vệ nền kinh tế khỏi sự biến động của thị trường hàng hóa và các giao dịch được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ.
Moscow đã giảm số lượng Nhân dân tệ bán ra trong hai tháng qua để bù đắp thâm hụt ngân sách, với số lượng bán giảm một nửa trong tháng 4 so với tháng 2.
Theo chuyên gia kinh tế người Nga của Bloomberg, Alexander Isakov, khối lượng mua ngoại hối ban đầu nhỏ nhưng mang tính “biểu tượng cao” vì chúng sẽ cho thấy Nga đang xây dựng dự trữ thay vì "ngốn sạch" chúng.
Việc chuyển từ bán sang mua sẽ làm nổi bật “khả năng của Nga trong việc duy trì dòng dầu mỏ khi đối mặt với các lệnh trừng phạt và giới hạn giá” do EU, G7 và các đồng minh áp đặt, chuyên gia này nhận định.
Bloomberg đưa tin, bất chấp "thâm hụt chưa từng có" lên tới 2,4 nghìn tỷ rúp (29,8 tỷ USD) vào cuối quý đầu tiên, ngân sách liên bang Nga "đang được điều chỉnh" một phần do những thay đổi trong cách tính một số loại thuế dầu mỏ.