Bài 1: “Bộ lọc” nhiều tầng nhưng vẫn bất cậpBài 2: Từ những “tiền lệ tốt”Bài 3: Hiệu quả được “soi chiếu” từ thực tếBài 4: Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng: Phương pháp tốt, cần kiên trì thực hiện
Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng
Trong thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ T.Ư đến các địa phương. Nhiều quy định tiêu chí đánh giá cán bộ được hoàn thiện, với khung năng lực, hình thức đánh giá đa chiều. Theo ông, để thực thi tốt những quy định này cần lưu ý vấn đề gì? - Trước hết phải khẳng định, công tác cán bộ là vô cùng quan trọng, quyết định hết thảy mọi vấn đề. Trong thời gian qua, chúng ta để một số cán bộ hư hỏng, có người kém năng lực, không đủ phẩm chất vẫn “chui sâu, leo cao” vào bộ máy, đó là khuyết điểm, sai phạm của công tác cán bộ, trong đó có cả lỗi của khâu đánh giá cán bộ chưa thực hiệu quả.Đánh giá cán bộ rất quan trọng, điều này các nghị quyết của Đảng đều đã khẳng định. Nhưng thực tế cho thấy, công tác đánh giá cán bộ là khó, bởi vì ai đánh giá ai là việc cần xác định rõ. Cấp trên đánh giá cấp dưới, vậy cấp dưới có được quyền đánh giá cấp trên không?
Thời gian qua, có thể nói rằng, mặc dù có rất nhiều thang bậc, nhiều quy định về xếp loại cán bộ, đảng viên, nhưng việc đánh giá cán bộ có lúc không được tiến hành một cách khoa học, quyết liệt, không phát huy được dân chủ, công khai, minh bạch, nên dẫn đến hình thức, nể nang, né tránh.Theo tôi, quy định là một chuyện nhưng người thực hiện rất quan trọng, đặc biệt là những người đứng đầu. Trong đánh giá cán bộ, cần có người đứng đầu trung thực, trong sáng, tỏ thái độ rõ ràng. Phải đánh giá bằng những hành động cụ thể, nhìn thẳng, nói đúng sự thật. Hơn nữa, phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, làm tốt tự phê bình và phê bình đảm bảo thực chất.
Các quy định đều đã nêu rõ, tập thể lãnh đạo, nhưng phân công cá nhân phụ trách và người đứng đầu chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ quản lý đều đảm đương những công việc cụ thể, nên nếu lĩnh vực ấy xảy ra vấn đề, người điều hành trực tiếp phải chịu trước tiên. Không thể khi sai đổ lỗi cho tập thể, khi có công lại vơ vào mình. Từ tinh thần đó, tôi cho rằng cần tiếp tục mở rộng dân chủ trong đánh giá cán bộ, phân công rõ ràng, tránh tình trạng chung chung, cuối cùng lại “hòa cả làng”.Tôi nhận thấy, sau các quy định của T.Ư, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã có các quy định cụ thể về đánh giá, quản lý cán bộ, nhưng tôi mong muốn tiếp tục bổ sung thêm, để chiếu vào xem xét các cán bộ đương nhiệm. Qua đánh giá, thấy ai không đủ điều kiện theo quy định thì cho họ thôi vị trí đang đảm đương, còn ai sai phạm phải xử lý, không nên nể nang, né tránh.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng |
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đảm bảo sự minh bạch Nếu thực hiện hiệu quả, bài bản, khoa học, những tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng sẽ giúp cho công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động có căn cứ cụ thể hơn, đảm bảo sự minh bạch, chính xác. Việc soi chiếu theo các tiêu chí gắn với việc thường xuyên, định kỳ hàng tháng sẽ giúp phát hiện những cán bộ làm tốt, xứng đáng để tiếp tục bồi dưỡng, còn những ai có những hạn chế, thậm chí là mắc khuyết điểm cũng sẽ có cơ hội để tự sửa đổi, vươn lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc. |
Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải: Phải lượng hóa rất rõ Muốn đánh giá đúng, phải có tính kế hoạch rất cao. Có những vị trí, tưởng là khó nhưng nếu xây dựng kế hoạch năm nay thực hiện nhiệm vụ trọng tâm làm gì, tháng này phải triển khai, đôn đốc những gì, rồi đến tuần cũng vậy. Có nhiệm vụ ghi rõ trong bao lâu phải xong, thế là lượng hóa rất rõ.Đánh giá đúng cán bộ là cơ sở để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác; thực hiện điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ. Đồng thời, đánh giá đúng cũng là cơ sở quan trọng cho công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. |